Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết các vấn đề pháp lý “khó nhằn” cho người mua nhà lần đầu

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp lý luôn là một trong những vấn đề ‘’khó nhằn’’ nhất đối với người giao dịch bất động sản. Không ít người đã "ngậm trái đắng’’ và nhận về những rủi ro không đáng có vì vấn đề này khi giao dịch bất động sản.

Theo dữ liệu giao dịch của Propzy, các hạng mục vướng pháp lý trong giao dịch mua/bán/thuê/cho thuê bất động sản tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2020 khá đa dạng. Trong đó, hạng mục chưa hoàn công có tỷ trọng cao nhất khi chiếm đến 46%; tiếp đó, vấn đề sở hữu chung chiếm 23%, đang chờ sổ chiếm 13%, đang thế chấp ngân hàng chiếm 7%, đang tranh chấp chiếm 4%, chưa tách sổ chiếm 7% và các vấn đề pháp lý khác chiếm 6%.

Pháp lý là nổi sợ phổ biến của người mua nhà lần đầu (Ảnh: Tiểu Thuý).
Cũng theo dữ liệu 6 tháng đầu năm 2021 của Propzy về các hạng vướng pháp lý, chưa hoàn công chiếm 35%, sở hữu chung chiếm 33%, đang chờ sổ chiếm 17%, đang thế chấp ngân hàng chiếm 6%, đang tranh chấp chiếm 4%, chưa tách sổ chiếm 2% và các vấn đề pháp lý khác chiếm 3%.

Trong Hội thảo trực tuyến "Bí kíp mua đúng bất động sản" được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, luật sư Trần Phú Vinh - Giám đốc Pháp chế Propzy đã cung cấp thông tin về những loại giấy tờ cần phải có khi tham gia giao dịch bất động sản, bao gồm:
Bên bán: CMND/CCCD, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, giấy đăng ký kết hôn/giấy xác nhận độc thân, hồ sơ thuế (tờ khai thông báo lệ phí trước bạ), sổ hộ khẩu.
Bên mua: CMND/CCCD, giấy đăng ký kết hôn/giấy xác nhận độc thân, sổ hộ khẩu.

Tiếp đến là những loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu thường gặp:
Sổ trắng: đối với sổ trắng được cấp trước ngày 30/4/1974 được gọi là Văn tự đoạn mãi hay Bằng khoán điền thổ còn đối với sổ trắng cấp sau ngày 30/4/1975 được gọi là giấy phép mua bán nhà, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận.
Sổ đỏ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sổ hồng: là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở & quyền sử dụng đất ở hoặc giấy xác chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở & tài khoản khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó, trong sổ hồng còn có thể có trang bổ sung. Đối với trang bổ sung khi sử dụng cần ghi số thứ tự, đóng giấy giáp lai với với trang 4 của giấy chứng nhận (dấu của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thẩm quyền xác nhận đăng ký biến động).

Để phân biệt sổ hồng thật và sổ hồng giả có nhiều cách, nhưng cách hiệu quả và an toàn nhất là trực tiếp đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để được kiểm tra, xác minh rồi mới tiến hành đặt cọc.

Khi giao dịch bất động sản, cả bên mua và bên bán đều cần thực hiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước. Đối với bên bán phải đóng thuế phi nông nghiệp hàng năm và thuế thu nhập cá nhân. Đối với bên mua cần đóng lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ cấp GCN. Bên cạnh đó, bên mua và bên bán cần thanh toán các loại phí khác theo thỏa thuận như phí công chứng và các loại chi phí phát sinh khác (nếu có).

Chia sẻ về hợp đồng và các vấn đề cần lưu ý ông Vinh có biết, có 2 loại hợp đồng người giao dịch bất động sản cần đặc biệt chú ý. Một là, hợp đồng đặt cọc, đối với loại hợp đồng này môi giới /công ty dịch vụ sẽ soạn thảo sẵn. Trước khi ký vào hợp đồng đặt cọc người mua và người bán đều cần kiểm tra kỹ càng về thông tin nhân thân và thông tin bất động sản. Hợp đồng đặt cọc cần ghi rõ thỏa thuận của các bên để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán sau này.

Đối với hợp đồng mua bán cần làm theo mẫu của Văn phòng công chứng/ Phòng công chứng. Bên mua và bên bán bất động sản đều cần kiểm tra kỹ về thông tin chuyển nhượng và chuẩn bị thông tin nhân thân để sẵn sàng công chứng. Lưu ý khi công chứng xong bên bán và bên mua đều cần giữ 1 bản hợp đồng mua bán để làm cơ sở chứng minh giao dịch hợp pháp.

Ngoài ra, ông Vinh cũng tư vấn cho người mua nhà để nhà nên tìm đơn vị môi giới uy tín, có hệ thống văn phòng chuyên nghiệp, có đủ kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý để đồng hành trong quá trình giao dịch bất động sản và tránh được các rủi ro đáng tiếc.