Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, phần lớn các kiến nghị của cử tri là về công tác điều hành của Chính phủ, với 3.119/3.320 kiến nghị (chiếm 94%), tập trung chủ yếu vào 9 nhóm vấn đề: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, tài chính; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; GTVT, xây dựng; TN&MT; tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mặc dù số lượng kiến nghị lớn, nhưng tất cả đều đã được trả lời.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, theo giám sát của Ban Dân nguyện, vẫn còn có những giải pháp mà các bộ triển khai trong thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả, nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị nhiều tại các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 3. Như vấn đề: Thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, hay vấn đề quản lý việc khai thác tài nguyên khoáng sản, xử lý các vi phạm…
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có hiện tượng các bộ quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị cử tri để tránh tồn đọng, chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết các kiến nghị. Điều đó dẫn đến thực trạng là mặc dù số kiến nghị được trả lời rất lớn, nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao (trong đó 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin). Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Cá biệt có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật". Bà Hải nêu ví dụ: Cử tri hỏi về việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã, Thanh tra Chính phủ trả lời lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm (không phải chi trả cho đối tượng hoạt động không chuyên trách) là không đúng với nội dung kiến nghị mà cử tri nêu. Hay trả lời của Bộ Nội vụ: Cử tri nêu hiện nay nhiều đơn vị cấp phòng trực thuộc UBND cấp huyện và tương đương có con dấu và tài khoản riêng (Phòng GD&ĐT, TN&MT...) nhưng có những phòng cùng cấp lại không có (Phòng Nội vụ, Tư pháp, Kinh tế...), đề nghị Bộ Nội vụ xem xét khắc phục tình trạng bất cập này. Tuy nhiên, trả lời của Bộ chỉ nêu hiện đã có quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu, và Bộ sẽ làm việc với các bộ liên quan, là chưa đầy đủ, rõ ràng và khó hiểu đối với cử tri, cử tri không biết tình trạng như đã nêu này là đúng hay sai, có được Bộ tiếp thu khắc phục không, khi nào thì sẽ giải quyết.Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, trong kiến nghị của cử tri thì 80% ở địa phương với nhiều vấn đề bức xúc, còn 20% ở cấp T.Ư. Nhưng vẫn có tình trạng xảy ra ở địa phương không được giải quyết dẫn đến kiến nghị vòng vo. Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng cho rằng, 80% vướng mắc ở cơ sở, địa phương không giải quyết, họ kiến nghị lên T.Ư nên mới có chuyện khiếu kiện đông người. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, kiến nghị cụ thể rất bức xúc như cát sỏi, thanh tra, kiểm tra, đất đai, dân chủ ở cơ sở, tài chính thôn xã, cho nên Quốc hội cần chỉ đạo địa phương giải quyết, nếu không họ “bình chân như vại”.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất, cần làm rõ thêm trong 133 kiến nghị còn tồn đọng, kiến nghị nào thuộc dạng chính sách pháp luật, kiến nghị nào thuộc điều hành quản lý, trong điều hành quản lý thì các Bộ cần giải quyết ngay, trả lời kịp thời cho dân biết.