Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết ô nhiễm môi trường chăn nuôi: Bài toán cấp thiết

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, việc giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đang là bài toán đặt ra cấp thiết hiện nay.

Hệ lụy từ chăn nuôi nhỏ lẻ
Xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm là một trong những địa phương có tập quán chăn nuôi và giết mổ trâu, bò từ lâu đời của Hà Nội. Tuy nhiên, điều này cũng khiến vấn đề ô nhiễm môi trường nơi đây trở lên nóng bỏng. Đi dọc những con đường khang trang được nâng cấp từ chương trình xây dựng nông thôn mới, dễ dàng bắt gặp hình ảnh cống rãnh, kênh mương đặc quánh chất thải, đen kịt một màu và bốc mùi hôi thối khó chịu. Đây là hệ quả từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư diễn ra hàng chục năm qua.
 Chăn nuôi lợn tập trung ngoài khu dân cư tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo thống kê, toàn xã Kim Sơn hiện còn hàng trăm hộ chăn nuôi và giết mổ trâu, bò, cùng đàn lợn quy mô trên 2.500 con. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Viết Thắng thừa nhận: Vấn đề chất thải chăn nuôi đang khiến địa phương hết sức đau đầu. “Hầu hết các hộ đã được yêu cầu lắp đặt hệ thống biogas, tuy nhiên, do quy mô khá nhỏ nên một lượng lớn chất thải vẫn đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh, kênh mương” - ông Thắng nói. Không chỉ khiến môi trường bị ô nhiễm, chất thải ứ đọng, lâu ngày ngấm vào đất còn làm nguồn nước nơi đây bị suy giảm nghiêm trọng, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Không chỉ xã Kim Sơn, tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện diễn ra phổ biến trên địa bàn TP. Với tổng đàn trâu bò gần 160.000 con, đàn lợn 1,9 triệu con và đàn gia cầm trên 30 triệu con, lượng chất lượng thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi của Hà Nội mỗi ngày lên tới hàng nghìn tấn. Nếu không có giải pháp căn cơ về lâu dài, nguy cơ bùng phát ô nhiễm sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Thúc đẩy sản xuất tập trung

Nhận thức được nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, đến nay toàn TP đã phát triển được 15 xã chăn nuôi bò sữa với 10.952 con, chiếm 73% tổng đàn bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt với 25.811 con, chiếm 20% tổng đàn bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 210.564 con/6.698 hộ, chiếm 15% tổng đàn lợn… Việc phát triển chăn nuôi theo xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư đã từng bước giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, ngay cả khi đã phát triển thành những vùng chăn nuôi tập trung, nỗi lo ô nhiễm vẫn hiện hữu do thói quen sản xuất còn tùy tiện của một số hộ chăn nuôi. Theo thống kê, toàn TP hiện vẫn còn 20/386 xã chưa đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Liên quan tới định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh: Hà Nội không khuyến khích chăn nuôi thương phẩm nhỏ lẻ. Thay vào đó, sẽ phát triển để TP trở thành trung tâm cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao của cả nước. Trong giai đoạn trước mắt, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn ngoài khu dân cư, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi liên kết. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, đơn vị nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ngành chăn nuôi của Thủ đô.