Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết tranh chấp lao động cần được đồng thuận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Người lao động và người sử dụng lao động cần đạt được đồng thuận nếu muốn giải quyết các vấn đề nhạy cảm liên quan đến hợp đồng làm việc và giảm bớt tranh chấp lao động trong khu vực ASEAN.

Đó chính là tâm điểm của hội nghị khu vực về quan hệ lao động diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2 do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban thư ký ASEAN tổ chức với kinh phí của Chương trình hợp tác đa phương ILO-Nhật Bản.

 
Giải quyết tranh chấp lao động cần được đồng thuận - Ảnh 1
 
(Ảnh minh họa: Hà Thái/TTXVN)
 

Hội nghị lần này tạo cơ hội cho đại diện các chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động từ các nước ASEAN tham gia đối thoại và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động và cho thuê lại lao động - nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tranh chấp lao động trong khu vực.

Chuyên gia về Quan hệ Lao động của ILO châu Á-Thái Bình Dương, ông John Ritchotte cho biết: Người lao động và người sử dụng lao động cần phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn đòi hỏi mức độ thỏa hiệp nhất định. Cân bằng giữa nhu cầu đảm bảo việc làm và sự linh hoạt trong sử dụng lao động đồng nghĩa với việc không bên nào có thể đạt được mọi thứ mình muốn và thỏa hiệp thường là con đường duy nhất để tiến lên phía trước. Hợp đồng lao động là mấu chốt để hình thành quan hệ lao động, bảo trợ xã hội và là bước khởi đầu của việc áp dụng pháp luật lao động.

Theo ông Tim de Meyer, chuyên gia về Luật Lao động của ILO châu Á-Thái Bình Dương, việc cải thiện khung pháp lý về hợp đồng lao động, hay thêm nhiều người có hợp đồng lao động, có thể giúp người lao động được ghi nhận cho những công việc họ làm, được hưởng lương và điều kiện làm việc tốt hơn.

Trong khi các nước ASEAN đang tiến tới thành lập cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015, cho phép lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển, phần lớn các quốc gia trong khu vực đã và đang sửa đổi pháp luật lao động, bao gồm các vấn đề liên quan đến hợp đồng làm việc.

Chẳng hạn, khi sửa đổi Bộ luật Lao động, Việt Nam lần đầu tiên cho phép áp dụng pháp luật lao động và các tiêu chuẩn lao động đối với những trường hợp có quan hệ lao động, kể cả khi không tồn tại hợp đồng lao động giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh: Việc sửa đổi Bộ luật Lao động thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Trong quá trình cải thiện pháp luật lao động và quan hệ lao động đang tiếp diễn tại các nước ASEAN, đối thoại giữa các bên liên quan đóng một vai trò quan trọng.

Ông Shinichi Takasaki, Vụ trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết: Các chính phủ cần đưa người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quá trình soạn thảo luật.

Chính phủ Nhật Bản, thông qua Dự án Quan hệ Lao động ASEAN-ILO/Nhật Bản, cung cấp hỗ trợ tài chính từ năm 2008, giúp cải thiện quan hệ lao động tại các nước ASEAN, nâng cao năng lực của khu vực để đối phó với các vấn đề mới nổi trong lĩnh vực lao động việc làm.