80% khách đi xe buýt là học sinh, sinh viên
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện năng lực vận chuyển của xe buýt hiện nay là hơn 1,1 triệu lượt hành khách/ngày. Tuy nhiên, xe buýt mới đáp ứng khoảng 10% đi lại của nhân dân. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành GTĐT Hà Nội cho rằng, xe buýt hiện đã khai thác được 80% công suất song không thể tăng số lượng xe được nữa do thiếu mặt đường. Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cho biết, hiện tỉ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên một số tuyến chính là từ 4% đến 12%, nhưng vận chuyển tới 12% - 24% lượng người tham gia giao thông. Ông Thường dẫn chứng, chỉ tính trên 6 trục quan trọng gồm: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng, nếu không có xe buýt sẽ xuất hiện thêm hơn 100.000 xe máy trong giờ cao điểm. Nếu cấm ôtô hoạt động trên 6 trục đường trên vào giờ cao điểm, xe buýt có thể đáp ứng được. Theo ông Thường, hiện khách đi xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên (chiếm 80% hành khách). Giờ cao điểm, xe buýt có thể chậm đến 40%, xe buýt có 80 chỗ phải gánh đến 200 khách.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị vận tải thống kê hành khách là học sinh, sinh viên? Đồng thời đưa ra ý kiến nên bố trí lệch giờ học của sinh viên, tăng tần suất xe buýt, bố trí xe buýt chỉ đỗ tại các trường đại học… "Giờ cao điểm có thể phải cấm các xe khác để tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động. Đề xuất ưu tiên cho xe buýt phải mang tính đột phá. Nếu không vẫn đâu vào đó"- Bộ trưởng Đinh La Thăng gợi ý.
Nghiên cứu điều chỉnh giờ học, làm việc
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT, đưa ra giải pháp tăng cường sử dụng làn riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho loại phương tiện này hoạt động bên cạnh việc phát triển xe buýt nhanh, xe buýt chuyên trách. Đặc biệt, cần điều chỉnh hoạt động các dịch vụ thương mại sau 9 giờ sáng để giảm lưu lượng người đi lại. Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Ngọc Thành, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, các Trung tâm thương mại cần mở cửa sau 9 giờ. Tuy nhiên, nên có thời gian khảo sát, thống kê lượng sinh viên tại 21 đại học trong nội đô để có biện pháp cụ thể. Còn ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Transerco, việc bố trí lệch giờ làm việc sẽ phần nào giảm bớt áp lực cho xe buýt vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Transerco kiến nghị tách đường riêng cho xe buýt, tăng cường hỗ trợ bảo đảm an ninh cho hành khách… Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, thành phố đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng UTGT bức xúc hiện nay, trong đó có phát triển vận tải công cộng. Trong điều kiện hiện tại, bên cạnh đầu tư phát triển vận tải công cộng, sẽ tính tóan bố trí điểm dừng, đỗ xe buýt hợp lý. Nếu cần thiết, phù hợp, thu nhỏ vỉa hè, tạo đường, điểm dừng cho xe buýt.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, cần phải hành động quyết liệt để giảm UTGT. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giờ làm việc và giờ học. Ngoài ra, theo ông Thăng, những tuyến đường trọng điểm phải cấm taxi, tăng cặp đường một chiều để tạo phương tiện luân chuyển tốt hơn và xây dựng nhanh các cầu vượt qua giao cắt. "Phải quyết liệt mới giải quyết được tắc đường. Chúng ta phải có các giải pháp chống ùn tắc ngay trước mắt, biện pháp nào cũng có tác dụng phụ, thuốc bổ cũng có tác dụng phụ, chúng ta phải chấp nhận như vậy", ông Đinh La Thăng nói.
Khảo sát cho thấy, 65% ý kiến không thích xe buýt do phải chờ lâu, 16% do phục vụ kém, 10% do đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% do lái xe. |