Kinhtedothi - Ngày 1/6, Diễn đàn quốc phòng châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 13 được tổ chức tại Singapore đã bế mạc với sự đồng thuận của hầu hết các quan chức quốc phòng tham gia về vấn đề Biển Đông. Bài phát biểu của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh được Diễn đàn đánh giá cao.
Trong 3 ngày diễn ra (30/5 - 1/6), ngoài các chủ đề được định sẵn, các đại biểu đều tập trung vào vấn đề nóng của khu vực hiện nay là tình hình Biển Đông - khu vực có đường hàng hải quốc tế tạo sự giao lưu, hoạt động thông thương rất quan trọng đối với các nền kinh tế.
Nhật, Mỹ khẳng định sẽ không làm ngơ
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nhật Bản đã rất nhiều lần nhắc đến cụm từ "quy định của pháp luật" khi hối thúc các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực. "Tôi chỉ xin nhắc lại. Nhật Bản ủng hộ quy định của pháp luật. Châu Á ủng hộ quy định của pháp luật. Và quy định pháp luật dành cho tất cả chúng ta" - ông Abe nói. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abe khẳng định, ủng hộ Việt Nam giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại cũng như ủng hộ nỗ lực của Philippines sao cho phù hợp với các nguyên tắc về hòa bình, tôn trọng luật quốc tế, không sử dụng vũ lực. Ông Abe cũng kêu gọi sớm thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết, Tokyo sẽ cung cấp 10 chiếc tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines để tăng cường an ninh tại Đông Nam Á. Ngoài ra, cũng sẵn sàng cung cấp 3 tàu tuần tra cho Indonesia và đang lên kế hoạch tương tự dành cho Việt Nam. Nhật Bản cũng sẽ đào tạo về bảo vệ bờ biển cho khoảng 250 người của Philippines, Indonesia và Malaysia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn trên Biển Đông, đồng thời cảnh báo, Washington "sẽ không làm ngơ" nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. Bộ trưởng Hagel cũng đưa ra một thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc thông qua đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-la. Bộ trưởng Hagel dẫn chứng việc Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam, và tuyên bố Washington "kiên quyết phản đối bất cứ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền".
Lập trường của Việt Nam được hoan nghênh
Đặc biệt, bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại phiên đối thoai với chủ đề "Quản lý căng thẳng chiến lược" thể hiện lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông đang bất ổn, hầu hết đều ủng hộ quan điểm của Việt Nam là các nước phải tôn trọng luật pháp, không được có các hành động đơn phương nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế.
Tại các cuộc tiếp xúc song phương diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-La với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia, New Zealand, Singapore… đã bày tỏ lo ngại về diễn biến tại Biển Đông, đề nghị các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình
Trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg (Mỹ) hôm 30/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên Biển Đông, với 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu qua đây. Vì thế, nếu không giải quyết việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, chỉ một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này, và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này. Trong tuần qua, các cuộc trả lời phỏng vấn trên các hãng thông tấn lớn của thế giới như CNN, Blommberg của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam về lập trường kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-la. Ảnh: AP
|