Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy một số tỉnh, thành phố.
Với chủ đề trao đổi kinh nghiệm trong giải quyết điểm nóng, vụ việc phức tạp, các đại biểu cho rằng chủ đề Hội nghị là phù hợp, có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm tình hình khiếu nại, tố cáo tại một số địa bàn có những diễn biến phức tạp, gây những tác động xấu đến sự ổn định trật tự xã hội trên nhiều địa bàn, đặc biệt là ở một số tỉnh, thành phố đang triển khai những dự án lớn về phát triển kinh tế.
Đại diện một số tỉnh, thành phố cho rằng để xảy ra tình trạng trên, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ chế giải quyết khiếu nại tại một số địa phương chưa bảo đảm đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng; chưa đề cao vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, của những người có uy tín...
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM trong giải quyết điểm nóng, vụ việc phức tạp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cho biết, là thành phố lớn, có số dân khoảng 13 triệu người, tập trung nhiều tôn giáo, dân tộc nên TPHCM cũng đối mặt với nhiều vụ việc phức tạp, bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố xác định giải quyết dứt điểm những bức xúc phải trên cơ sở giải quyết hài hòa những quyền lợi chính đáng của người dân. Đặc biệt, trong khi giải quyết những vụ việc phức tạp, Thành phố luôn phát huy được vai trò của những tổ chức đoàn thể, người có uy tín.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nêu ý kiến mỗi địa phương có những thực tiễn khác nhau, các điểm nóng trong xã hội hiện không chỉ bó hẹp trong mỗi địa phương mà có tính lan truyền, do vậy, sự chỉ đạo của Trung ương, phối hợp của các địa phương trong giải quyết là rất quan trọng. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, cần phải triệt để sử dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình và thông tin kịp thời để định hướng, giúp người dân hiểu để tránh bị xúi giục, kích động.
Theo ông Đinh La Thăng, để không tái diễn những vấn đề bức xúc mới, cần phải làm tốt việc công khai, minh bạch các hoạt động cho người dân. Chỉ khi giải quyết tốt những bức xúc trong nhân dân, giữ ổn định, Thành phố mới có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Với Cần Thơ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Văn Hiệu cho hay thời gian qua, trên địa bàn cũng thường xảy ra những vụ việc hết sức phức tạp. Tuy nhiên, cùng với việc làm tốt công tác giải quyết thỏa đáng lợi ích, vận động nhân dân, kiên trì giải thích để người dân hiểu, Cần Thơ đã chủ động phân hóa, vạch mặt, chỉ rõ mục đích không chính đáng (cơ hội chính trị, thu tiền của người dân...) của những kẻ xúi giục, kích động để người dân hiểu không nghe theo. Đến nay, những vụ việc phức tạp kéo dài đã cơ bản giải quyết ổn thỏa.
Tại Nghệ An, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn, tình hình hoạt động tôn giáo hiện rất phức tạp. Cụ thể, nhiều vụ việc giáo dân bị một số kẻ kích động tổ chức bắt giữ người trái pháp luật hoặc khi xảy ra sự cố môi trường khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, nhiều giáo dân bị xúi giục, kích động tập trung đông người đi khiếu kiện, có những hành vi quá khích, gây rối, chống người thi hành công vụ, gây phức tạp tình hình, làm mất an ninh trật tự.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo làm rõ những nguyên nhân dẫn đến vụ việc, xác định đâu là xuất phát từ nhu cầu tôn giáo chính đáng, đâu là những nguyên nhân khác và có nguyên nhân sai sót của chính quyền cơ sở làm giáo dân bức xúc hay không... Trên cơ sở đó, có những giải pháp giải quyết phù hợp.
Đánh giá tình hình bức xúc kéo dài trên bình diện cả nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng có nhiều nguyên nhân để xảy ra các vụ việc nóng, phức tạp, nhưng trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý, việc giải quyết các chính sách kinh tế-xã hội của chính quyền một số địa phương thời gian qua chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm, chưa thấu tình đạt lý...
Khẳng định khiếu nại, tố cáo là quyền của người dân, là công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Phó Thủ tướng cho rằng để giải quyết triệt để những điểm nóng, vụ việc phức tạp, cán bộ, nhất là những người thường xuyên tiếp dân cần thấm nhuần đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc gần dân, tin dân, hiểu dân, trách nhiệm với dân, chăm lo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Cùng với đó, chính quyền các cấp cần chủ động nắm tình hình khiếu nại trên địa bàn, phát hiện những dấu hiệu có thể dẫn đến khiếu kiện phức tạp để kịp thời giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng. Đặc biệt, trong giải quyết cần chú ý bảo đảm lợi ích cốt lõi của người dân, vận dụng chính sách sao cho có lợi nhất cho người dân nhưng không trái với quy định, nếu cán bộ vận dụng giải quyết sai cần chủ động nhận lỗi với người dân và sửa sai.
Phó Thủ tướng cho biết vào tháng 10 tới, Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự tham gia của tất cả các tỉnh, thành phố để phân loại và làm rõ những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người dân, giải quyết dứt điểm những điểm nóng, vụ việc phức tạp, qua đó giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự cho phát triển kinh tế của đất nước.