Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải tán cơ sở tái chế rác tự phát: băn khoăn bài toán chuyển đổi nghề

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Vai trò của các cơ sở thu gom, tái chế rác thải trong việc hạn chế sự phát tán rác thải ra môi trường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc để những cơ sở này hình thành tự phát đang trở thành mối nguy hại cho môi trường.

Các sơ sở tái chế rác tự phát đang đối mặt với nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe. Ảnh: Quý Nguyễn
Các sơ sở tái chế rác tự phát đang đối mặt với nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe. Ảnh: Quý Nguyễn

Những nhà xưởng “nhiều không”

Một ngày giữa tháng 5/2024, cụm nhà xưởng nằm cạnh kênh Thụy Đức, thuộc địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội tấp nập phương tiện ra vào. Tại đây có 2 cơ sở thu gom, tái chế rác thải hoạt động với thâm niên hơn chục năm nay. Như thường lệ, nhóm công nhân với dụng cụ bảo hộ sơ sài là găng tay và khẩu trang miệt mài làm việc giữa bộn bề chai lọ, túi nilon.

Nhiệm vụ của họ là phân loại và thu gom các loại rác thải nhựa vào riêng một chỗ để đem ép thành từng kiện lớn mang đi nơi khác tiêu thụ.
Anh Tuấn – chủ cơ sở trong bộ quần áo lao động bạc màu thoăn thoắt đi lại giữa những đống chai lọ ngổn ngang, mắt đảo liên tục, miệng lẩm bẩm nhẩm tính điều gì đó. Trên khuôn mặt người đàn ông trung niên này, hằn rõ dấu vết của thời gian. “Làm nghề này vất vả lắm” – anh Tuấn vừa nói vừa đưa tay gạt đi dòng mồ hôi chảy dài trên trán.

Cách đây gần 20 năm, gia đình anh Tuấn ra khu đất cạnh kênh Thụy Đức để xây dựng nhà xưởng thu gom, tái chế rác thải nhựa. Vào thời điểm đó, những yêu cầu về điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… đều chưa có. Nhà xưởng của anh Tuấn vì thế cũng gần như “trắng” những điều này. Tuy nhiên, theo thời gian, những quy định về điều kiện đối với các cơ sở thu gom, tái chế rác thải dần được siết chặt, nhà xưởng của anh Tuấn vì thế cũng thường xuyên bị các cơ quan chức năng nhắc tên. Dù vậy, để đáp ứng được hết những điều kiện trên với anh Tuấn là điều rất khó, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư.

Thêm vào đó, việc hàng ngày tiếp xúc với rác thải, lại làm việc trong môi trường không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường khiến anh hiểu rõ nhất cái giá mà mình phải trả, lại càng thấm thía hơn rằng, cái ngày mà anh phải chuyển đổi nghề sẽ không còn xa. “Tôi cũng muốn chuyển nghề khác nhưng chẳng biết làm gì cả. Gần hai chục năm nay gắn bó với nghề này rồi, giờ không làm nữa thì biết làm gì?” – anh Tuấn nói với giọng trầm tư.

Hoàn cảnh của anh Tuấn cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều chủ cơ sở thu gom, tái chế rác thải tự phát trên địa bàn TP Hà Nội. Không phủ nhận rằng, những cơ sở này đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế rác thải phát tán ra môi trường. Công bằng mà nói, sự tồn tại của những cơ sở thu gom, tái chế rác thải tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ… gây ô nhiễm môi trường và không ít những mối nguy tiềm tàng liên quan đến cháy nổ, an toàn lao động.

Đã đến lúc cần có cơ chế quản lý, thậm chí là “tái cơ cấu” với những cơ sở này để chuẩn hóa tất cả các điều kiện cần thiết, giúp những cơ sở thu gom tái chế rác thải tự phát không còn tự phát nữa. Tất cả đều phải đưa vào khuôn khổ, tuân thủ tất cả những điều kiện cần phải có.

Bài toán chuyển đổi nghề nghiệp

Xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai là một trong những địa phương có nghề tái chế rác thải nhựa. Cũng giống như nhiều làng nghề khác như Triều Khúc (huyện Thanh Trì) hay Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), nghề tái chế rác thải nhựa ở Phượng Cách từng là kế sinh nhai của rất nhiều gia đình.

Song theo thời gian, ý thức được sự nguy hại mà nghề này mang lại, nhiều gia đình đã từ bỏ chuyển sang làm nghề khác. Hiện cả xã Phượng Cách chỉ còn vài cơ sở tái chế rác thải nhựa. Tuy nhiên, tác hại đối với môi trường và sức khỏe của những cơ sở này mang lại đã khiến địa phương đang rất quyết tâm “đào thải” nó trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Cách Nguyễn Duy Dũng cho biết, vừa qua UBND xã đã trình lên UBND huyện Quốc Oai về việc quy hoạch một khu tiểu thủ công nghiệp chung để người dân vào đó hoạt động sản xuất. Riêng đối với nghề tái chế nhựa, địa phương xác định đây là nghề độc hại, ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. “Chúng tôi đã đề nghị huyện không cấp phép cho những cơ sở tái chế nhựa hoạt động nữa, tiến tới giải tán dần vì không đảm bảo môi trường” – ông Dũng nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Cách, đối với những cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn, trước đây là xã cho thuê với thời hạn 5 năm. Song, UBND huyện đang yêu cầu rà soát tiến tới thanh lý hợp đồng. “Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 3 - 4 cơ sở sản xuất nhựa tái chế quy mô nhỏ hẹp. Mỗi cơ sở chỉ khoảng vài trăm mét vuông” – ông Dũng nói và bày tỏ lo ngại là hiện những cơ sở này đang ở gần khu dân cư, nguy cơ ô nhiễm cao do vậy địa phương có chủ trương sẽ không cho tồn tại nữa. “Sắp tới khi thanh lý hợp đồng cũng là cơ hội để dẹp bỏ những cơ sở tái chế thủ công này” – ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, đóng góp về mặt tài chính của những cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn đối với địa phương là không đáng kể, vì tiền thuê đất theo đơn giá của TP. Nếu đặt lên bàn cân để so sánh giữa nguồn lợi tài chính và sức khỏe người dân cũng như môi trường, rõ ràng là không hề cân xứng. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo địa phương băn khoăn nhất hiện nay là bài toán chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau khi giải thể các cơ sở tái chế rác thải nhựa trên.

“Bây giờ, đất công ích này, nếu UBND huyện không cho chuyển đổi sang đất dịch vụ thì cũng rất khó. Bởi nếu chỉ để sử dụng vào mục đích nông nghiệp sẽ không có ai thuê. Nếu chỉ sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp thôi sẽ khó thực hiện, không có ai thầu và đất sẽ bị hoang hóa” – ông Dũng nhận định.

Băn khoăn của ông Dũng không phải không có cơ sở, bởi hiện nay giá trị cây nông nghiệp rất thấp nên người dân không còn mặn mà nữa. Thậm chí, ngay trên địa bàn xã Phượng Cách đã có không ít người sẵn sàng bỏ ruộng hoang để đi làm thuê, làm thợ xây vì giá ngày công cho những công việc này còn cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, trồng hoa màu.

“Giờ sản xuất nông nghiệp, cả năm 6 tháng trời mới được 2 tạ thóc, rồi còn chi phí cho cày, bừa, cấy hái, phân bón….còn lại được bao nhiêu đâu. Đặt bài toán về kinh tế thì không ai người ta làm nông nghiệp” – Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Cách chia sẻ.