Đảm bảo hoạt động kinh doanh không gián đoạn
Bà Nguyễn Thị Minh Yến - Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết: Không phải thời điểm này quận mới có chủ trương giải tỏa chợ Hàng Bè mà từ năm 2007, UBND quận đã di chuyển 91 hộ kinh doanh hải sản tươi sống sang khu vực chợ Bắc Qua, đến nay tại chợ Hàng Bè còn 240 hộ kinh doanh. Kế hoạch xây dựng chợ Hàng Bè đã có từ năm 2004 - 2005, nhưng vì không có quỹ đất nên đến tháng 4/2010, UBND quận gấp rút xin quỹ đất để di chuyển và đến 10/6/2010, UBND TP mới đồng ý cho phép xây dựng chợ mới trên diện tích gần 1200m2 tại số 2A phố Vọng Hà, phường Chương Dương. Trong đó diện tích xây dựng chợ để bố trí các hộ kinh doanh là 1.040,5m2, khu vệ sinh của chợ là 95,9m2. Chợ Vọng Hà sau khi hoàn thành xây dựng sẽ đạt tiêu chuẩn chợ cấp III với quy mô 3 tầng, mỗi sạp hàng có diện tích từ 3 - 5m2.
Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, UBND quận sẽ bố trí toàn bộ các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Bè về kinh doanh tại chợ Vọng Hà. Theo đó, tại khu vực tầng Icủa chợ sẽ phục vụ việc thoát lũ, thoát nước, giao thông tĩnh và sẽ sắp xếp khoảng 120 hộ kinh doanh ngành hàng ướt gồm rau xanh, gia súc, thủy hải sản, hoa tươi, hoa quả. Khu vực tầng II sắp xếp cho 120 hộ kinh doanh ngành hàng khô, thức ăn chín và các ngành hàng khác. Tầng III là trụ sở BQL chợ. Dự kiến trong năm 2011, chợ Vọng Hà sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng. Toàn bộ các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Bè có đủ điều kiện được bố trí sắp xếp vào chợ mới. Các hộ kinh doanh được tham gia gắp thăm theo từng ngành hàng để nhận địa điểm kinh doanh tại chợ mới theo phương án sắp xếp do UBND quận phê duyệt, dự kiến vào cuối tháng 12/2010.
Để đảm bảo các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Bè không gián đoạn buôn bán trong thời gian xây dựng chợ mới, quận Hoàn Kiếm đã có di chuyển các hộnày ra chợ tạm Phùng Hưng và lòng đường Nguyễn Văn Linh. Theo kế hoạch tại chợ tạm Phùng Hưng (đoạn từ nhà tang lễ đến phố Cửa Đông) sắp xếp cho 65 hộ hiện đang kinh doanh các ngành hàng gia súc, gia cầm, thủy hải sản, hàng ăn; Đoạn từ phố Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh sắp xếp 114 hộ kinh doanh các ngành hàng rau xanh, hoa tươi, hoa quả, thức ăn chín, hàng khô… Trên phố Lê Văn Linh sắp xếp cho 32 hộ kinh doanh ngành hàng khô. Dự kiến sau ngày 15/9/2010 sau khi di chuyển các hộ kinh doanh của chợ Hàng Da về chợ mới thì các hộ kinh doanh chợ Hàng Bè sẽ di chuyển vào chợ tạm Phùng Hưng.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải tỏa chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân khi phải chuyển địa điểm kinh doanh ra chợ tạm Phùng Hưng.Theo đó tiền hỗ trợ di chuyển tài sản là 3 triệu đồng/1 hộ; hỗ trợ di chuyển điện thoại, công tơ điện: 830.000 đồng; hỗ trợ ngừng kinh doanh bằng 30% mức thu nhập 1 năm sau thuế theo mức bình quân của 3 năm liền kề trước đó. Trường hợp kinh doanh 3 năm trở xuống thì tính bình quân theo thời gian thực tế kinh doanh. Với hộ kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu sẽ được hỗ trợ 980.000đồng/tháng (là mức lương tối thiểu đối với người làmviệc tại các doanh nghiệp, cơ quancủa Việt
Để đẩy nhanh tốc độ GPMB, quận Hoàn Kiếm cũng đặt các mức thưởng. Theo đó, nếu bàn giao mặt bằng trước 7 - 10 ngày được thưởng 5 triệu đồng/hộ; 4 triệu đồng/hộ nếu bàn giao trước 1- 6 ngày và 3 triệu đồng/ hộ bàn giao mặt bằng đúng ngày quy định.
Bà Yến cho biết thêm: Chợ Vọng Hà được xây dựng theo phương thức xã hội hóa do Công ty TNHH Thủ đô II lập dự án đầu tư nên theo quy định thì giá thuê sạp bán hàng sẽ do chủ đầu tư quyết định. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho bà con, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu chủ đầu tư khi xây dựngphương án thuê sạp hàng tùy theo vị trí của từng sạp hàng mà định giá cho thuê cao nhất cũng chỉ từ 100 - 300.000 đ/m2 và phương án này phải được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt mới được áp dụng. Quận cũng sẽ có văn bản yêu cầu chủ đầu tư chợ Vọng Hà ưu tiên bố trí, sắp xếp các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Bè, đảm bảo tính công khai, minh bạch.