Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải tỏa nhiều vấn đề bức xúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều vấn đề "nóng" của đời sống dân sinh như quản lý đất đai, nạn "cát tặc", phát triển sản xuất, ô nhiễm môi trường... đã được người dân bày tỏ với lãnh đạo huyện Phúc Thọ tại buổi đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với người dân tổ chức ngày 29/9.

Phúc Thọ là địa phương đầu tiên của TP Hà Nội tổ chức đối thoại với người dân theo Quyết định 218 của Bộ Chính trị.

Nhiều vấn đề sát sườn

Lần đầu tiên được tham dự một buổi đối thoại với Bí thư Huyện ủy nên ngay từ đầu giờ sáng, rất đông người dân từ 11 xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có mặt tại xã Hát Môn. Hội trường chính của xã chật kín không còn chỗ trống, thậm chí một số người phải ngồi ở hành lang. Sau khi Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu gợi mở một vài vấn đề để bước vào phần đối thoại, rất đông cánh tay giơ lên xin được phát biểu ý kiến. Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, người dân xã Long Xuyên đề nghị sớm cấp đất dịch vụ cho các hộ dân bị mất 30% đất nông nghiệp, còn người dân xã Hát Môn đề nghị rà soát, xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận QSD đất thổ cư...
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ trao đổi với người dân bên hành lang buổi đối thoại.   Ảnh: Quang Thiện
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ trao đổi với người dân bên hành lang buổi đối thoại. Ảnh: Quang Thiện
Đặc biệt, bà Phùng Thị Tỵ - đại diện cho người dân xã Vân Hà nêu hai vấn đề lớn đang gây bức xúc tại địa phương. Thứ nhất, từ năm 2008, tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định thu hồi diện tích khu bãi nổi của xã giao cho Công ty Kim Thanh khai thác cát nhưng đến nay, công ty này không hề có hoạt động. Thứ hai, nạn "cát tặc" diễn ra thường xuyên trên sông Hồng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Đồng tình với những giải đáp của lãnh đạo và các phòng chức năng của huyện, song người dân chia sẻ, một số câu trả lời còn chung chung, chưa cụ thể. Dự kiến, ngày 30/10, Huyện ủy Phúc Thọ sẽ tổ chức buổi đối thoại đợt 2 với 12 xã, thị trấn còn lại.
"Mỗi ngày có từ 10 - 20 tàu hút cát hoạt động 24/24 giờ gây tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất sản xuất, đất thổ cư của người dân" - bà Tỵ bức xúc.

Về vấn đề này, ông Đặng Văn Nghĩa - Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ cho biết, việc thu hồi lại đất đã giao cho Công ty Kim Thanh thuộc thẩm quyền của UBND TP. Thanh tra Sở TN&MT và Sở NN&PTNT cũng thành lập đoàn kiểm tra và Công ty Kim Thanh xin gia hạn thêm thời gian 6 tháng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của công ty để có kiến nghị giải quyết dứt điểm" - ông Nghĩa cho biết. Về nạn "cát tặc" trên sông Hồng, theo ông Nghĩa, đang gặp khó khăn trong xử lý, bởi TP Hà Nội đã cấm khai thác, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc lại cho phép khai thác trong phạm vi khoảng 10ha, dẫn tới sự chồng lấn. Ngay trong ngày 29/9, lực lượng chức năng của huyện Phúc Thọ đã phối hợp với Công an TP tiến hành rà soát toàn bộ hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Ngoài vấn đề quản lý đất đai, tại buổi đối thoại, hàng chục câu hỏi của người dân đến các vấn đề như giải quyết khiếu nại tố cáo, an ninh trật tự, môi trường, đội ngũ cán bộ, quản lý di tích... Trả lời các câu hỏi liên quan tới công nhận làng văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn, lãnh đạo Phòng VH - TT huyện Phúc Thọ cho biết, đến nay, 100% các thôn, xã trên địa bàn huyện đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao xã, nhà văn hóa thôn theo quy chuẩn của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách TP, huyện còn nhiều khó khăn, các xã cần chỉ đạo các thôn chỉnh trang hệ thống cơ sở nhà văn hóa hiện có.

Khơi thông cho sản xuất

Vấn đề hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản sau dồn điền đổi thửa cũng là một trong những trọng tâm được người dân gửi gắm đến lãnh đạo huyện Phúc Thọ. Ông Đặng Xuân Thanh, xã Vân Phúc nêu ý kiến, hiện nay, địa phương có thế mạnh vùng đất bãi, thuận lợi phát triển sản xuất rau an toàn nhưng đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn nên người dân chưa yên tâm sản xuất. Về vấn đề này, lãnh đạo huyện Phúc Thọ lý giải, việc xây dựng các chợ đầu mối tiêu thụ nông sản là cần thiết, nhưng phải theo quy hoạch của TP.

Về ý kiến của người dân liên quan đến chuyển đổi vùng sản xuất, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ cuối năm 2012, UBND đã phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã, trong đó có quy hoạch các vùng sản xuất lúa, rau màu, đậu tương... Quy trình phê duyệt các quy hoạch này đã lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian, nếu thấy các cây trồng đó chưa thực sự hiệu quả, lãnh đạo xã có thể xem xét điều chỉnh cơ cấu cây trồng cho hợp lý, song phải đảm bảo quy định của Bộ NN&PTNT về chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng hàng năm. Về chính sách hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ngoài hỗ trợ của TP, huyện Phúc Thọ đã có quyết định hỗ trợ 50% kinh phí mua máy đối với mô hình mạ khay máy cấy. Đến nay huyện đã hỗ trợ mua được 27 máy cấy, 2 máy gieo hạt. Diện tích ứng dụng mô hình đạt 360ha.

Góp ý cho công tác quản lý

Có thể nói, buổi đối thoại lần đầu tiên với lãnh đạo Huyện ủy Phúc Thọ đã nhận được phản hồi rất tích cực của người dân. Đến gần 12 giờ trưa, nhưng các đại biểu đến dự vẫn ngồi đông đủ và nhiều người dân vẫn tiếp tục giơ tay xin phát biểu. Không chỉ hỏi các vấn đề dân sinh bức xúc, nhiều người dân còn góp ý, hiến kế cho lãnh đạo huyện về công tác cán bộ. Ông Hoàng Văn Đạt, 70 tuổi, xã Long Xuyên đề nghị huyện quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ xã. Đặc biệt, bố trí lực lượng cán bộ cho phù hợp, tránh tình trạng một nhiệm kỳ thay đến 2 - 3 đồng chí lãnh đạo xã khiến người dân rất băn khoăn.

Trước phản hồi, góp ý của người dân, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ vui mừng chia sẻ, buổi đối thoại là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo huyện nắm được các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề "nóng" đã và đang diễn ra. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng sớm tháo gỡ cho người dân. Đặc biệt, đây cũng là diễn đàn để người dân tham gia hiến kế xây dựng Đảng, chính quyền, góp ý đối với đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ cũng như kết quả lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó kịp thời điều chỉnh, đổi mới phương pháp lãnh đạo nhằm xây dựng huyện Phúc Thọ trở thành một huyện năng động, sáng tạo, giàu mạnh.