Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm cầu VND bằng cách nào?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ cùng đó là tình hình căng thẳng thanh khoản hệ thống.

KTĐT - Khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ cùng đó là tình hình căng thẳng thanh khoản hệ thống.

Thà “ngoảnh mặt” ít lâu cho ngân hàng thương mại tăng lãi suất để giảm áp lực cầu VND còn hơn bỏ ra một đồng lúc lạm phát đang cao, có vẻ thị  trường đã cảm nhận được “ý tứ” này của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tính tới việc tăng dự trữ bắt buộc và chuyển hóa vốn “Đô - Đồng”, thay vì làm ngơ để ngân hàng thương mại vượt trần lãi suất huy động.

Giảm cầu VND bằng cách nào?

Sau vụ việc rùm beng KienlongBank đẩy lãi suất huy động lên 15,7%/năm và Western Bank là 17,8%/năm so với trần khống chế 14% của Ngân hàng Nhà nước, trật tự thị trường được duy trì ít lâu.

Nhưng nay, trật tự này đã bị xáo trộn. Hiện tại, mức lãi suất huy động mức 17%/năm đã được nhiều ngân hàng ghi nhận với khách hàng bằng nhiều cách khác nhau.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ cùng đó là tình hình căng thẳng thanh khoản hệ thống. Và sự căng thẳng này được gia tăng bởi lãi suất huy động bị khống chế bởi 14%/năm. Trong lúc này, Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ tiền ra vì những mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16% sẽ bị phá vỡ. Vì thế, lúc này, một mặt Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố “xử lý nghiêm vượt trần lãi suất” nhưng thực tế lại... làm ngơ.

Có  thể, đó chỉ là một cách nhìn, nhưng nếu muốn biết thực hư thì đâu quá khó khăn? Và thật ngạc nhiên là đã quá lâu, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thiết lập trần lãi suất huy động 14%/năm, không thấy có thêm vụ việc nào khác ngoài vụ việc của Tecombank, Kienlongbank hay ngân hàng Phương Tây đẩy cao lãi suất vượt trần, dù hiện nay, hiện thực này không còn là cá biệt.

Tuy nhiên, theo vị tổng giám đốc nói trên, đằng sau sự “làm ngơ” đó, khi mà cầu VND đang “căng như dây đàn”, Ngân hàng Nhà nước nên tính đến phương án tăng dự trữ bắt buộc lên hẳn mức 7% - 8%/năm. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái phân phối lại (cho vay) cho những ngân hàng nào có thanh khoản khó khăn dưới dạng tái cấp vốn thông qua các tài sản đảm bảo hoặc nhận thế chấp vốn điều lệ với mức 14%/năm.

Giải pháp này đương nhiên là có lợi cho ngân hàng đang khó khăn thanh khoản vì vay của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất dưới 14% vẫn dễ chịu hơn đi huy động trên thị trường 18% nhưng lại thiệt cho những ngân hàng làm ăn nghiêm túc, quản trị rủi ro tốt. “Đây cũng là hình hình thức lấy điền thổ của địa chủ chia cho dân nghèo”, vị này dí dỏm.

Ngoài ra, vị này cũng đề xuất thêm, muốn hạ lãi suất xuống thì phải “chia lửa cầu tiền đồng”. “Trong lúc mọi người đang rất cần tiền đồng thì đừng cảnh báo, hô hoán quá nhiều về vấn đề cho vay ngoại tệ, vì đó là câu chuyện lâu dài của chống "Đô la hóa". Với một đất nước nhập siêu như Việt Nam hiện nay, nên tạm thời chưa can thiệp sâu vào vấn đề vay mượn USD”, ông này nói.

Vì thế, ông này kiến nghị, trong lúc nhiều ngân hàng đang gửi một lượng lớn USD ra nước ngoài, nên làm cách nào đó để các ngân hàng rút số ngoại tệ này về để cho vay trong nước với mức lãi suất khoảng 4% - 5%/năm, thay vì cứ vay VND với lãi suất trên 20%/năm như hiện nay. Điều này hoàn toàn khả thi, vì hiện tại, tỷ giá đã điều chỉnh tăng 9,3%/năm, nếu có điều chỉnh thêm thì cũng không quá lớn.

Do đó, giải pháp này sẽ sẽ đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu chuyển hóa cầu vốn từ đồng tiền này sang đồng tiền kia. Và một khi, sử dụng tín dụng VND với chi phí cao nhưng bên cạnh, lãi suất tín dụng ngoại tệ lại thấp, nhất là lúc kỳ vọng tỷ giá không cao (như phân tích trên), có thể nói, nhu cầu tiền đồng sẽ giảm, nhờ đó lãi suất giảm theo. Dĩ nhiên, đi kèm cách làm này là phải nỗ lực giảm lạm phát để lãi suất thực sự thực dương.

Luật chơi nên sòng phẳng

Ở một góc nhìn khác, xung quanh giải pháp tăng dự trữ bắt buộc để “lấy điền thổ chia cho dân nghèo”, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, giải pháp này không có chút tác dụng nào trong việc kiềm chế lạm phát, vì hệ số nhân tiền tệ vẫn tăng cao khi Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn.

Theo ông, lâu nay, nhiều người cứ quen cách nghĩ, ngân hàng nhỏ là yếu kém, quản trị rủi ro tồi và cho vay bừa bãi, nhưng thực tế, nhiều ngân hàng lớn vẫn mở rộng tín dụng thiếu thận trọng và quản lý thanh khoản không tốt. “Đang có tình trạng, ngân hàng quản lý thanh khoản tốt, cho vay thận trọng và ngân hàng quản lý thanh khoản tồi, cho vay bừa bãi đều an toàn như nhau”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, xét về mặt quản trị rủi ro, chỉ có hai loại ngân hàng: quản lý thanh khoản tốt và chưa tốt. Và điều này không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ, tuổi đời nhiều hay ít của từng ngân hàng.

Ông Hải cũng lấy làm ngạc nhiên rằng, tại sao trong bối cảnh khách hàng mặc cả lãi suất tràn lan, ngân hàng đua nhau dâng lãi suất huy động để giành vốn của nhau nhưng vẫn chưa có một thông điệp rõ ràng từ cơ quan quản lý. Đáng lẽ, thông điệp đó phải là: “Người dân cứ thoải mái mặc cả lãi suất và chọn ngân hàng để gửi, nhưng nếu ngân hàng đó phá sản, mức bảo hiểm chỉ 50 triệu đồng/người; còn nếu gửi tiền ở ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn, sẽ an toàn hơn”, thì câu chuyện “mặc cả lãi suất” không đến mức như bây giờ.

Tất nhiên, thông điệp này chỉ có tác dụng khi Ngân hàng Nhà nước công bố phân loại ngân hàng theo từng mức khác nhau để người dân có cơ sở lựa chọn ngân hàng gửi tiền. Và lúc đó, không ai muốn đánh đổi lãi suất cao với sự mạo hiểm mất vốn khi ngân hàng mình gửi tiến phá sán. 

Ở một khía cạnh khác của vấn đề này, trong lúc chính sách tiền tệ đang “toát mồ hôi” chống lạm phát và hệ thống ngân hàng đang ngấm đòn của thắt chặt tiền tệ thì chính sách tài khoá vẫn chưa lượng hóa được những con số cần giảm chi. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cử 14 đoàn đến 8 vùng kinh tế và 2 đoàn làm việc với các tập đoàn kinh tế. Theo thông báo của bộ này, đến ngày 10/4 sẽ có kết quả rà soát cắt giảm những dự án nào, giá trị cắt giảm bao nhiêu đối với đầu tư công.

Nhiều người cho rằng, trong lúc chống lạm phát đang là lựa chọn ưu tiên của Chính phủ, nếu chính sách tài khóa không kết hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ thì công cuộc này vẫn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như lâu nay.