Văn minh theo mùa dịch
Hạnh Nguyên (26 tuổi ở quận Đống Đa) và chồng sắp cưới đều là người Hà Nội, không có bạn bè là người ngoại quốc đến từ các quốc gia có dịch nên họ khá yên tâm khi tổ chức hôn lễ vào 26/2. Đây cũng là thời điểm tín hiệu của dịch Covid-19 có phần khả quan ở Việt Nam. Các ca nhiễm mới không xuất hiện, các ca bệnh cũ đã được trị khỏi và ra viện. Chính vì vậy, tâm lý người dân cũng thoải mái hơn khi tụ tập đông người. Tuy nhiên, gia đình Hạnh Nguyên cũng xác định danh sách khách chỉ gói gọn trong hơn 300 người. “Cưới xin vào lúc dịch bệnh này, nếu không quá thân thiết mà không được mời người ta cũng không trách, không khéo còn cảm ơn” – Hạnh Nguyên bày tỏ.
Tôi muốn đám cưới thực sự là ngày vui, mọi người tham dự với tâm lý thoải mái, vui vẻ nhất. Điều quan trọng không phải tiệc to, tiệc nhỏ, mà cô dâu chú rể dành tình cảm cho nhau thế nào, cùng vun đắp và giữ gìn hạnh phúc ra sao.Hoa hậu Ngọc Hân |
Ở đám cưới diễn ra thời điểm dịch bệnh tạm lắng, các gia đình cũng như nhà hàng đều có ý thức phòng chống dịch bệnh. Những chai nước khử trùng đều được bố trí ở cửa đón tiếp, trên mỗi bàn ăn để mọi người cùng rửa tay, khử khuẩn trước và sau khi dùng tiệc. Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Phúc Thọ Vũ Hồng Hải cho biết: So với trước, đám cưới trong mùa dịch ở huyện Phúc Thọ đã được các gia đình giản tiện đi rất nhiều lần. Không kéo rạp ca hát loa đài dài ngày, số lượng khách đến dự cũng gọn gàng. Nhiều tiệc cưới còn chuẩn bị cả khẩu trang cho khách khi ra về có thêm dụng cụ phòng bệnh.
Khác với chị Hạnh Nguyên, chị Minh Anh (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) được gia đình lên kế hoạch tổ chức hôn lễ vào ngày 12/3 tại nhà hàng Mipec Tây Sơn từ trước Tết. Cỗ cưới cùng dịch vụ cho khoảng 300 người trong đám hỏi, 600 người cho đám cưới, được đặt sẵn cách đây 2 tháng. Tiền đặt cọc cũng đã ứng đủ 50%. “Sau ngày Tết, khi thấy xuất hiện một vài ca mắc bệnh Covid-19 ở Việt Nam, chúng mình cũng định tạm hoãn, lúc đó chỉ đền bù tiền thuê nhà hàng dịch vụ khoảng 20% nhưng vì lấn cấn thấy dịch bệnh đã giảm nên quyết định không hoãn tổ chức. Tuy nhiên, khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội vào tối 6/3, kế hoạch tổ chức hôn lễ đã được gia đình bàn bạc lại” – chị Minh Anh cho biết.
Hồ hởi báo hỷ
Từ đầu tuần đến nay, rất nhiều bạn bè của các chủ hôn nhận được thông báo dừng tổ chức mở cỗ, mà chỉ báo hỷ trong gia đình. Cụ thể như trường hợp Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân và chồng tương lai lùi ngày tổ chức đám cưới - dự kiến vào 18/3 - cho đến khi tình hình Covid-19 được kiểm soát. Hoa hậu nói: “Chúng tôi hơi buồn một chút nhưng cũng nhanh thông suốt. Đám cưới là ngày vui nhưng nếu tổ chức trong tình hình bệnh dịch thì khách mời có thể đến ít hoặc không đến. Khi đó, chúng tôi còn buồn hơn nữa. Không làm tiệc cưới tại nhà hàng, nhưng vào ngày báo hỷ, vợ chồng Ngọc Hân vẫn sẽ ra mắt những người thân trong hai họ như dự kiến. Lễ báo hỷ cũng sẽ nhỏ gọn, đầm ấm vài người.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều gia đình ở các quận, huyện Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì cũng thông báo hoãn tổ chức tiệc cưới và được bạn bè, người thân ủng hộ. Mới đây trên trang mạng xã hội đã xuất hiện tờ thông báo: “Gia đình chúng tôi: T.H (khu tập thể X55, Lưu Phái, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) thành thật xin lỗi quý khách. Thực hiện chủ trương của Nhà nước tránh gây lây lan dịch bệnh, gia đình chúng tôi tạm dừng tiệc cưới hai cháu Q - M. Địa chỉ: Hội trường Nhà máy in Bộ Tham mưu vào ngày 11/3…”. Sau khi tờ thông báo xuất hiện, rất nhiều chia sẻ, bình luận đã ủng hộ cách làm của gia đình. Nhiều lời chúc mừng hạnh phúc của cộng đồng mạng đã gửi đến cô dâu chú rể. Chủ hôn cho rằng, họ cảm thấy vui hơn là tổ chức tiệc cưới, vì họ đã biết dừng đúng chỗ, vì sức khỏe chung của mọi người.
Có thể thấy, quan niệm về mâm cao cỗ đầy mới là đám cưới vui đã trở thành lỗi thời, là gánh nặng của gia đình và cộng đồng. Hy vọng, sau những trường hợp cụ thể, quan niệm cưới hỏi linh đình, phô trương, lãng phí sẽ giảm thiểu, để Hà Nội cùng chung tay xây dựng đám cưới văn minh nhưng không giảm vui.