Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm dàn trải, tăng minh bạch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu tư công tại Việt Nam mặc dù đã có những thay đổi nhưng chưa thực sự hiệu quả và Chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại Hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư công do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - NCSEIF (Bộ KH&ĐT) tổ chức mới đây.
 
Giảm dàn trải, tăng minh bạch - Ảnh 1
 
Nâng cao hiệu quả đầu tư công là trụ cột quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế.Trong ảnh: Đường Vành đai 3 trên cao.Ảnh: Thanh Tuấn
 
Dàn trải, hiệu quả thấp
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2006 - 2011, tốc độ tăng trưởng đầu tư công cho khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước tương ứng là 4,9% và 12,8%, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 11,1% và 19,1% của giai đoạn 2001 - 2005. Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn và tỷ trọng vốn/GDP khu vực Nhà nước và vẫn đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể trong giai đoạn 2007 - 2012, vốn ngân sách Nhà nước luôn dao động ở mức trên 53%; vốn vay cũng có xu hướng tăng; tuy nhiên, vốn đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại ở chiều hướng giảm.
 
Tỷ trọng đầu tư công vào lĩnh vực kinh tế cao áp đảo so với đầu tư công vào hai nhóm xã hội và quản lý. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư vào nhóm xã hội đang có xu hướng giảm dần làm cho một số lĩnh vực có sức lan tỏa chưa được quan tâm đúng mức như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bất động sản,…
 
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những lý do không nhỏ khiến đầu tư công tại Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như mong đợi xuất phát từ việc chọn sai lĩnh vực để đầu tư. Không ít lĩnh vực đầu tư công tại Việt Nam có độ lan tỏa về không gian và thời gian rất thấp. Các nhóm này vẫn mang lại GDP trong ngắn hạn nhưng lại ít mang lại lợi ích trong trung và dài hạn. Điều này một phần là do những hạn chế về mặt hoạch định chính sách và thói quen chi tiêu công trong thời gian dài. 

Cần một hành lang minh bạch
 
Theo TS Bùi Đại Dũng, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), hiệu quả đầu tư tại các Tập đoàn DNNN, chất lượng - hiệu quả tại một số công trình kết cấu hạ tầng… đang là vấn đề nổi cộm trong chi tiêu công tại Việt Nam thời gian qua. Riêng trong khu vực công, việc chồng chéo quyền hành hay lẫn lộn chức năng thẩm quyền các cấp cũng dẫn đến giảm hiệu quả của khu vực công. TS Dũng cho rằng, để chi tiêu công thực sự hiệu quả, chính quyền T.Ư cũng như địa phương cần quản lý tốt hơn những hàng hóa công. Trong khu vực công phải có sự phân cấp hợp lý theo nguyên tắc các cấp chính quyền được quản lý các hàng hóa công phù hợp.
 
Giảm dàn trải, tăng minh bạch - Ảnh 2
 
Xây dựng chương trình đầu tư công dài hạn cho các công trình công cộng là điều cần thiết.Ảnh:Nguyễn Tuân
 
 
Cũng liên quan tới vấn đề quản lý, Ths Phó Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban Phân tích và dự báo vĩ mô (NCSEIF) cho rằng, việc chia sẻ lợi ích từ "bầu sữa" ngân sách được hợp pháp hóa thông qua chính sách tài khóa thường niên và quy trình chi tiêu ngân sách hiện được thừa nhận như một tập quán khó thay đổi, và trong nhiều trường hợp là chưa minh bạch. Trường hợp các nhóm lợi ích có thể can thiệp, tác động đến việc chi tiêu ngân sách thường xảy ra tại các nước vẫn áp dụng quy trình ngân sách ngắn hạn, trong đó có Việt Nam.Để phần nào hạn chế được yếu điểm này, những đánh giá trung thực, khách quan và khoa học cần được vận dụng linh hoạt nhằm điều chỉnh các quyết định chi tiêu công cộng với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng của nguồn lực công. Lý tưởng nhất là quy trình ngân sách trung hạn được áp dụng một cách khoa học, trong đó nhu cầu chi tiêu công trong trung hạn được lập kế hoạch và đề xuất hình thành các dự án. Các dự án cần được phân tích chi phí - lợi ích một cách khách quan, khoa học để xếp hạng ưu tiên. Kế hoạch ngân sách sẽ được hình thành trên cơ sở các quyết định chi tiêu theo thứ tự ưu tiên này.
 
Một trong những mục đích quan trọng mà tái cơ cấu kinh tế hướng tới là phải lựa chọn đúng lĩnh vực nhằm mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư công cần được xem xét cẩn trọng, trong đó quan tâm nhiều hơn tới 4 yêu tố: Mức độ lan tỏa cao đến kinh tế, giảm nhập khẩu, hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng và ít tác động tới các vấn đề môi trường.
 
 
"Hiệu quả đầu tư công thấp có tác động lớn tới nợ công và cũng là nguồn gốc sâu xa của lạm phát". - TS Bùi Trinh - Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)