Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm đáng kể thiệt hại rừng từ công tác tuyên truyền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là nhận định của cả lãnh đạo Sở NN&PTNT và Sở GD&ĐT TP Hà Nội tại Hội nghị tổng kết kế hoạch liên ngành về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trong các trường phổ thông huyện Sóc Sơn năm 2011, ngày 10/12.

Kết quả khả quan
 

Ngày 7/4/2011, Sở NN&PTNT và Sở GD&ĐT Hà Nội có kế hoạch liên ngành số 20/KHLN/SGDĐT - SNN&PTNT phối hợp thực hiện tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng cho 9 trường THCS và 1 trường THPT tại 10 xã có rừng của huyện Sóc Sơn. Qua 8 tháng triển khai kế hoạch, các trường đã rất tích cực đưa các nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng vào giờ học cho học sinh như vai trò, tác dụng của rừng trong nền kinh tế và môi trường sống của con người; các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tìm hiểu đa dạng sinh học; tác hại của việc khai thác, chặt phá rừng bừa bãi… Đặc biệt, cuộc thi tìm hiểu Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã thu hút được 100% các em học sinh của 10 trường tham gia với 6.791 bài viết có kết quả tốt.

Thầy Nguyễn Văn Tương, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Kỳ cho biết, phần lớn các em học sinh trong trường có gia đình gắn bó với rừng. Thông qua việc thành lập Câu lạc bộ Xanh do nhà trường thành lập, các em học sinh và phụ huynh đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích về bảo vệ rừng. Chính các em học sinh trở thành cầu nối chuyển tải cho những thành viên trong gia đình kiến thức về Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Hồng Kỳ chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, tình trạng phá rừng giảm so với trước.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội nhận định, hầu hết các vụ phá rừng, cháy rừng xảy ra do nhận thức không đầy đủ về rừng và tác hại của việc phá rừng. Chính vì vậy, đợt tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR cho học sinh tại các xã có rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn là bước đột phá nhằm nâng cao nhận thức, giúp các em có kiến thức để bảo vệ rừng ở địa phương tốt hơn. Qua đó, tuyên truyền cho cha mẹ, người thân và những người xung quanh nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, số vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong năm 2011 giảm trên 70% so với năm trước. Nếu như 2009 có 54 vụ cháy rừng với diện tích 86ha, năm 2010 có 19 vụ với 29ha, đến năm 2011 chỉ còn 6 vụ cháy rừng với diện tích 6,1ha.

Cần nhân rộng             

Toàn huyện Sóc Sơn hiện có 4.557ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ, chủ yếu là thông, keo, bạch đàn và được ví như là "lá phổi xanh" của Hà Nội. Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đặc thù của rừng trên địa bàn Sóc Sơn là khô hạn do khí hậu có hai mùa, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau gần như không có mưa, lượng mưa chỉ chiếm 15% bình quân của huyện nên cháy rừng rất dễ xảy ra. Khi có cháy rừng, ở địa bàn xa như các xã Minh Trí, Bắc Sơn, để huy động quân đội tới ứng cứu cần 2 - 3 tiếng đồng hồ. Lúc đến nơi thì ngọn lửa đã "liếm" được vài chục hecta. Do đó, việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng cho từng hộ dân là điều rất cần thiết.

Hà Nội hiện có 28.606ha rừng, chiếm gần 8,66% tổng diện tích đất tự nhiên, nằm trên địa bàn 7 huyện, thị xã gồm Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn. Rừng nằm xen kẽ trong các khu dân cư, có phong cảnh đẹp gắn với các công trình văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái. Do đó, theo các đại biểu, cần nhân rộng mô hình tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và PCCCR trong các trường phổ thông ra nhiều địa phương khác, không chỉ ở các địa phương có rừng mà toàn thành phố. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm cũng khẳng định, trong năm tới, Sở sẽ giao cho Chi cục Kiểm lâm tiếp tục nhân rộng, đẩy mạnh việc thực hiện mô hình tuyên truyền này ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.