Kinhtedothi - Những địa phương liên quan nhiều đến hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội trước như: Huyện Mỹ Đức với Lễ hội chùa Hương, huyện Sóc Sơn với Hội đền Gióng, cùng một vài quận, huyện và các sở, ngành có liên quan đã được lãnh đạo UBND TP Hà Nội triệu tập trong cuộc họp chuẩn bị cho công tác tổ chức lễ hội năm 2016. Cuộc họp diễn ra chiều 11/1 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì.
Đầy rẫy những băn khoăn
Không ngoài tinh thần nói không với bạo lực lễ hội, tại hội nghị, huyện Sóc Sơn - nơi để xảy ra màn đánh nhau cướp giò hoa tre tại Hội đền Gióng 2015 là địa phương đầu tiên phải giải trình. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh khẳng định: “Tục cướp lộc thánh là nghi thức dân gian không thể xóa bỏ. Nếu xóa bỏ không còn là Hội Gióng ở Sóc Sơn”. Chính vì vậy, từ cuối tháng 12/2015, huyện Sóc Sơn đã thành lập Ban Tổ chức lễ hội Gióng 2016, trong đó điểm nhấn được đặt ra là không để xảy ra bạo lực như năm 2015. “Năm nay, chúng tôi sẽ huy động khoảng 200 thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo công tác an ninh, trật tự, đặc biệt là 2 đoàn rước trong ngày chính hội (mùng 6 tháng Giêng). Lực lượng bảo vệ đám rước, 2 đoàn tham gia rước được quán triệt không được sử dụng bạo lực để ngăn cản việc cướp lộc. Ban Tổ chức sẽ nhờ hàng chục chiến sĩ cảnh sát tạo vòng vây bảo vệ đoàn rước. Đến khi nào trật tự được đảm bảo, chúng tôi sẽ giảm dần lực lượng an ninh” – ông Mạnh cho biết.
“An toàn, văn minh, lịch sự, hiệu quả cao” là mục tiêu mà Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2016 hướng tới. Đây không phải là năm đầu tiên huyện Mỹ Đức mong muốn có một lễ hội văn minh. Nhưng bên cạnh những điểm sáng về công tác tổ chức trong một vài năm gần đây, du khách vẫn cảm thấy nỗi buồn phảng phất khi du Xuân về đất Phật. Không phải ngẫu nhiên, trong hội nghị phạm vi hẹp chiều 11/1, huyện Mỹ Đức cử tới 3 vị đại diện Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2016 tham dự. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt tâm sự: “Chùa Hương sở hữu hơn 4.000 chiếc đò phục vụ du khách. Nếu xếp đò xuôi dòng suối Yến thì du khách có thể đi bộ từ bến vào đến cổng Thiên Trù, thậm chí còn dài hơn. Thế nhưng tại sao du khách vẫn bị người lái đò ép giá? Vì ở chùa Hương chỉ có người thôn Yến Vỹ được thầu đò. Rất nhiều bức xúc xảy ra về sự “độc quyền” này, nhưng chưa có cách nào giải quyết”. Song vẫn nỗ lực vì mùa lễ hội tới diễn ra trật tự, văn minh, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục cho miễn phí vé thắng cảnh trong 3 ngày đầu năm mới, tăng cường thêm 3.000 phao cứu sinh cho các thuyền đò, phối hợp để xử lý tình trạng xe ôm chạy nhanh chạy ẩu đón khách từ nhiều ngả đường về chùa Hương, sớm đưa tuyến buýt có trợ giá Yên Nghĩa - Tế Tiêu vào hoạt động…
Dấu ấn bản sắc
Điều trăn trở nhất của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn là phát huy nét đặc trưng, độc đáo của từng lễ hội. Bởi vì, ở đâu đó ngay trong hội nghị về công tác tổ chức lễ hội 2016, các cán bộ văn hóa của các địa phương sở hữu các lễ hội lớn của Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Đống Đa đều thừa nhận những hình thức tổ chức na ná nhau. Đến với lễ hội Cổ Loa hay lễ hội Hai Bà Trưng, du khách đều cảm nhận được phần hội quen thuộc: Hát quan họ trên hồ, trò chơi bịt mắt bắt dê… Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tạo sản phẩm riêng cho lễ hội. Hiện nay, Đông Anh đã nghĩ đến món bánh đặc trưng bằng chiếc khuôn đúc có lịch sử vài trăm năm. Mê Linh nhấn mạnh thế mạnh mùa của các loài hoa và rau củ quả. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh – Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội: “Mặc dù không kịp cho mùa lễ hội 2016, nhưng bắt đầu từ lễ hội Xuân năm 2017, Sở Du lịch sẽ chung tay cùng các địa phương nghiên cứu sản phẩm du lịch riêng cho từng lễ hội”.
Sau cuộc họp này, UBND TP sẽ xây dựng văn bản quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các địa địa phương đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cũng quy trách nhiệm trực tiếp trong công tác tổ chức lễ hội cho chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Còn rất sớm để khẳng định một mùa lễ hội an vui lại đến với người dân Thủ đô, song với những động thái quyết liệt này, hy vọng sẽ chấn chỉnh được những điểm tối của bức tranh lễ hội 2015.
Lễ hội là nét đặc trưng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội nên chúng ta phải cố gắng duy trì những giá trị tốt đẹp. Sau sự hoan hỉ của người dân, tôi cho rằng chúng ta phải biết lễ hội đem lại giá trị gia tăng, gắn với văn hóa, lịch sử như thế nào.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Lê Hồng Sơn |
Lễ hội đền Gióng - huyện Sóc Sơn Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: Trọng Tùng
|
Doanh thu giao dịch trong mỗi mùa lễ hội chùa Hương ước tính đạt 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu về cho ngân sách rất khiêm tốn, trong đó tiền vé thẳng cảnh là 60 tỷ đồng, tiền cáp treo nộp thuế gần 20 tỷ đồng. |