Nhái ý tưởng
“Tất cả chỉ là con số không, trong khi đời sống mỹ thuật, thị trường mỹ thuật trong nước đã bắt đầu phát triển” – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) - Bộ VHTT&DL Vi Kiến Thành chia sẻ về công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam tại hội thảo “Công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh - Thực trạng và giải pháp”, ngày 18/7.Theo các nhà quản lý và chuyên gia, mặc dù nhu cầu giám định đang diễn ra hàng ngày nhưng thực tế việc giám định đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, hiện tượng tranh chấp khó giải quyết, nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm bản quyền đi vào bế tắc. Năm 2008, khi ông Trần Lam bán đấu giả bức ảnh mang tên “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” cho một chủ DN với giá 1 triệu USD. Khi đó nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc lên tiếng cho rằng bức ảnh của tác giả Trần Lam “giống đến 98%” bức ảnh “Đêm trăng lăng Bác” của ông. Từ đó, nghi án đạo ảnh được các báo khai thác, với nhiều ý kiến khác biệt từ cả hai phía. Tranh cãi này đã được hội đồng nghệ thuật và ban lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam kết luận: Hai bức ảnh không được tạo ra từ cùng một máy ảnh, trong cùng một khoảnh khắc. Ảnh “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” do ông Trần Lam chụp khác với bức ảnh “Đêm trăng lăng bác”. Và ông Minh Lộc cũng không thể chứng minh được tác giả bức ảnh “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” đạo ảnh của mình kiểu gì và như thế nào.Như vậy, đối với nhiếp ảnh, có một khái niệm đặt ra là nhái ý tưởng. “Điều này cũng khó phân giải vì ý tưởng thường nằm ở trong đầu, nó sinh ra bao giờ, ai có trước, ai có sau không thể phân định. Những sự cố này đã xảy ra nhiều lần ở những bức ảnh giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh. Bức ảnh năm sau được giải giống y bức ảnh năm trước, chỉ khác con người trong ảnh” – nhà Lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành nhận định.Bước đi đầu tiênCách đây 11 tháng, Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (thuộc Cục MTNATL) chính thức đi vào hoạt động. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, song cũng không hoàn toàn kỳ vọng giám định mỹ thuật trở thành liệu thuốc đặc trị với căn bệnh vi phạm bản quyền. Đây chỉ là thiết chế cần thiết để vận hành, góp phần làm công khai, minh bạch thị trường mỹ thuật và nhiếp ảnh. Theo ông Vi Kiến Thành: “Ở các nước có thị trường mỹ thuật, tức là có mua bán, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Các tổ chức, cá nhân đều có thể làm công tác giám định tác phẩm, cấp giấy chứng nhận giám định tác phẩm. Còn ở Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà việc giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện”. Ông Thành thiết tha kêu gọi các tổ chức, cá nhân hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập, tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để Cục MTNATL sớm rút ra khỏi hoạt động này.Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đề xuất, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền trong mỹ thuật và nhiếp ảnh, Cục MTNATL cần sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ nghệ sĩ. Hồ sơ nghệ sĩ là một danh mục toàn diện, có chú thích về tất cả tác phẩm được biết đến của một nghệ sĩ trên một phương tiện hoặc tất cả các phương tiện truyền thông. Hồ sơ này cũng có thể cung cấp một số hoặc bao gồm những thông tin như: Tiêu đề và những tiêu đề biến thể, kích thước, năm sáng tác, chất liệu, nơi lưu giữ/chủ sở hữu hiện tại (vào thời điểm xuất bản hồ sơ), nguồn gốc (lịch sử sở hữu), lịch sử triển lãm, tình trạng tác phẩm, tài liệu tham khảo… Việc quan tâm, chú trọng xây dựng hồ sơ nghệ sĩ không chỉ là một cách để đảm bảo tài sản trí tuệ mà con là sự tiếp cận quảng bá thương hiệu tới công chúng một cách hữu hiệu công việc và nghệ thuật của các nghệ sĩ.