Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Công an Hà Nội đề xuất biện pháp cứng rắn giảm thiểu cháy nổ

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chữa cháy nhiều khi vẫn chỉ chống cháy lan, làm nguội đám cháy là chính. Mặt khác, dù chúng ta đã tuyên truyền rất mạnh về PCCC nhưng chuyển biến trong nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn chủ quan, chưa coi trọng đúng công tác này…”.

Thông tin trên được Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2018 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã vào sáng 10/7.
 Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an TP Hà Nội.
“Không có giải pháp cứng rắn… thảm họa cháy nổ là nhãn tiền”
Về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu thực tế qua các cuộc kiểm tra, ngoài những lý do khách quan, còn có cả lý do chủ quan như lực lượng, năng lực, các điều kiện, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật PCCC&CNCH của lực lượng PCCC còn rất hạn chế, khó khăn.
Chữa cháy nhiều khi vẫn chỉ chống cháy lan, làm nguội đám cháy là chính. Mặt khác, dù chúng ta đã tuyên truyền rất mạnh về PCCC nhưng chuyển biến trong nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn chủ quan, chưa coi trọng đúng công tác này.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói: “Chúng ta được trang bị áo chống nóng nhưng rất nặng. Áo mua toàn cỡ của người nước ngoài nên mặc vào lùng thùng, nặng, trong khi đó cầu thang lên rất nhỏ. Bất cập là thế. Không thể di chuyển được, áo chống nóng mà nóng không thể chấp nhận được".
Cũng theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, công tác PCCC còn bất cập khác là nhận thức của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất chủ quan, coi thường…
Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn. Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước…
Ngoài ra, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng cơ sở về phòng cháy dù đã được coi trọng nhưng còn rất yếu. Qua kiểm tra tại nhiều cơ sở, dù có đặt bình chữa cháy nhưng người được giao phụ trách chữa cháy tại cơ sở còn loay hoay không biết cách sử dụng. Đây là khâu yếu nhất cần được tập trung khắc phục...
"Chúng ta không có giải pháp cứng rắn, không có thái độ dứt khoát thì thảm họa về cháy nổ đối với TP Hà Nội là nhãn tiền. Qua vụ cháy ở 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy), tôi thấy suy nghĩ của mình là hoàn toàn có cơ sở”, Thiếu tướng Khương  nhấn mạnh.
Cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp
Thông tin từ Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn TP đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Theo đó, bước đầu đạt được những kết quả tích cực và góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Hình ảnh vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho hay, mặc dù việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của TP về công tác PCCC&CNCH đã được thực hiện nghiêm túc nhưng tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo đó, tính đến tháng 6/2018, qua điều tra cơ bản TP có gần 500.000 nhà liền kề và 44.141 cơ sở (tăng 855 cơ sở so với năm 2017). Trong đó, có 8.234 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Tình hình cháy, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 411 vụ cháy. Trong đó, có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình, 336 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng khiến 4 người chết, 9 người bị thương và thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng.
Đối với tình hình nổ, xảy ra 2 vụ nổ khiến 5 người bị thương và thiệt hại về tài sản 325 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 1 vụ, giảm 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm gần 100 triệu đồng. Đối với tình hình cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức CNCH 53 vụ và cứu được 80 người (trong đó, có 19 người bị thương)…
Liên quan đến vấn đề cháy nổ, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh đến các nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong công tác PCCC, cụ thể, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ quan, DN chưa cao, còn coi PCCC là trách nhiệm của Cảnh sát PCCC.
Theo quy định, các toàn nhà phải đầu tư đảm bảo các quy định về PCCC mới được đưa dân vào ở. Một số các cơ sở kinh doanh chỉ chăm chăm thu lợi nhuận, không quan tâm PCCC.
Bên cạnh đó, nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Các cơ sở karaoke vẫn đèn sáng, biển quảng cáo bịt kín hết, các chung cư vẫn có chuồng cọp… Công tác phối hợp giữa Cảnh sát PCCC với Công an và chính quyền địa phương chưa tốt. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Nếu ở đâu nguời đứng đầu quyết liệt thì có thể giảm thiểu được cháy, nổ.