Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam đã tăng 8 bậc ở chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (TTCI) năm 2017 so với năm 2015 trong bảng xếp hạng WEF mới đưa ra?
- Theo đánh giá của các chuyên gia WEF, du lịch Việt Nam có một số yếu tố cạnh tranh nổi trội so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể là: Tài nguyên văn hóa (hạng 30), tài nguyên thiên nhiên (hạng 34), cạnh tranh về giá (hạng 35), an toàn và an ninh (hạng 57, trong đó, đặc biệt tỷ lệ khủng bố của Việt Nam xếp hạng thứ 01/136). Các chỉ số có sự cải thiện vượt bậc như: Nhân lực và thị trường lao động (hạng 37, tăng 18 bậc so với năm 2015), ứng dụng công nghệ thông tin (hạng 80, tăng 17 bậc so với năm 2015).
Việc Việt Nam tăng 8 bậc (từ thứ 75/141 năm 2015 lên thứ 67/136 năm 2017) đã thể hiện rõ sự cố gắng của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng ngành du lịch. Là người đứng đầu ngành du lịch Thủ đô, tôi cảm thấy đây là kết quả đáng ghi nhận. Nhưng, chúng ta cần cố gắng hơn nữa để tiếp tục tăng năng lực cạnh tranh và thu hút du khách.
Điều du lịch Việt Nam cần cố gắng mà ông nói tới có phải việc ngành vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng?
- Đúng vậy, để du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành du lịch nói riêng và xã hội nói chung. Từ đó, cùng nhau tìm ra những phương hướng, giải pháp bền vững nhằm cải thiện chất lượng du lịch và nâng cao chất lượng sống của người dân. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh của du lịch đã phản ánh đúng thực trạng của ngành du lịch Việt Nam và những vấn đề nổi cộm nhất của ngành. Cụ thể là, mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), mức độ chất thải (hạng 128), mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116), tính nghiêm ngặt của các quy định về môi trường (hạng 115), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), hạn chế về xử lý nước (hạng 107), nạn phá rừng (hạng 103).
Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, thời gian tới, các chỉ số này sẽ có sự cải thiện, giúp vị trí của du lịch Việt Nam trong bản đồ năng lực cạnh tranh du lịch thế giới tiếp tục được nâng cao.
Khoảng 2 năm trở lại đây, ngành kinh tế xanh của Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo ông, con số nào là minh chứng rõ nhất cho thấy năng lực cạnh tranh của du lịch Thủ đô đã tăng lên?
- Hiện, khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 30% tổng lượng khách qua lại giữa các tỉnh, TP trên cả nước. Khách quốc tế chiếm khoảng 40% so với tổng lượng khách đến Việt Nam . Khoảng 80% khách quốc tế đến Hà Nội với mục đích nghỉ dưỡng, du lịch; 20% đến vì công việc. Khách đến Hà Nội có lưu trú ngày càng tăng, với khoảng 2,9 triệu người năm 2016, tăng 23% so với năm 2015. 4 tháng đầu năm 2017, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 8 triệu lượt, tăng 7%; tổng thu từ du khách đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 1,8 triệu lượt, tăng 13% và có lưu trú đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10%. Lượng khách lưu trú tại Hà Nội tăng mạnh thời gian gần đây là minh chứng rõ nhất cho thấy năng lực cạnh tranh của ngành kinh tế xanh Thủ đô đã tăng lên.
Nhờ đâu năng lực cạnh tranh của du lịch Thủ đô lại có được những bước tiến đáng tự hào đó, thưa ông?
- Trước tiên, để có được những thành công ấy là bởi thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã ưu tiên đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế xanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành được bổ sung, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, đa dạng hoá các hình thức đầu tư… Song song với khai thác thế mạnh vốn có về du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch làng nghề được tạo “đòn bẩy” qua Thi tuyển phương án kiến trúc Làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc. Đặc biệt, ngày 2/9/2016, Hà Nội động thổ dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế đầu tiên của Thủ đô bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã tạo thêm nhiều điểm đến mới hấp dẫn như: Chương trình “Ký ức Hà Nội”, “Festival Áo dài Hà Nội 2016”, “Không gian Áo dài Việt”, tour “Cảm xúc Hà Nội”, tour đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội miễn phí, công nhận điểm bán hàng lưu niệm đạt chuẩn tại Đình Đồng Lạc… Các chương trình, sự kiện thường niên như Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội - Việt Nam,… không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức, được người dân cũng như du khách đánh giá cao. Đặc biệt, Thủ đô đã tiên phong tạo đột phá trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch khi UBND TP Hà Nội ký hợp tác quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước trên kênh CNN. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Trong đợt ra quân kiểm tra hoạt động lữ hành đầu tiên của Tổng cục Du lịch trên địa bàn TP Hà Nội, có 1/9 DN bị kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Để phát huy tốt vai trò và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên địa bàn, Sở Du lịch Hà Nội sẽ làm gì, thưa ông?
- Từ khi thành lập đến nay, Sở Du lịch Hà Nội luôn coi các DN là “cột sống” của sự phát triển toàn ngành. Do đó, song song với quản lý nghiêm, chúng tôi luôn gắn bó, liên kết chặt chẽ để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động và phát triển. Ngay từ đầu năm 2017, Sở đã chủ động ban hành hai văn bản quan trọng là Kế hoạch phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch năm 2017 và Kế hoạch Hợp tác liên kết giữa DN, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch.
Lãnh đạo 4 Sở Du lịch, Sở VHTT&DL ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020, ngày 14/5. Ảnh: Thái Trung Thành. |
Sở cũng sẽ siết chặt việc quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch với tinh thần “phòng hơn chống” và thường thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề, tìm ra khâu yếu nhất rồi khắc phục. Những DN có thiếu sót, Sở cho cơ hội sửa chữa, nếu không được hoặc vẫn tái phạm thì kiên quyết xóa sổ. Chúng tôi cũng xác định phải quản lý chặt chẽ cả với các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và các DN trên địa bàn khu vực phố cổ... quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh đó, Sở sẽ cùng với các DN và điểm đến liên kết nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, có sức hấp dẫn. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN nói riêng, du lịch Hà Nội nói chung.
Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ ưu tiên giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?
- Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, đưa Du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội, chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô và dịch vụ hoàn chỉnh, ấn tượng. Chính vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, tiếp tục xây dựng các tour mới, có chất lượng; nâng cấp điểm đến tại một số di sản văn hóa trên địa bàn; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây... Tiếp tục quảng bá trên kênh CNN; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế cũng như các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước. Ngoài ra, Sở sẽ thực hiện nhiều chương trình, hoạt động khác nhằm đạt mục tiêu đón 23,61 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2016. Trong đó, có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, với 3.07 lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 6%; 19,31 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,4%; tổng thu từ du khách đạt 66,6 ngàn tỷ đồng, tăng 8 %.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao, không liên kết thì khó có thể phát triển đột phá. Do đó, Hà Nội đã chủ động ký kết chương trình Hợp tác phát triển du lịch với hơn 30 tỉnh, TP khác nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp. Đây là cách những người làm du lịch Thủ đô khẳng định vai trò đầu tàu trên hành trình phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành kinh tế xanh của cả nước.
Trân trọng cảm ơn ông!