Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm giá thực phẩm: Nỗ lực nhiều giải pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên tục trong nhiều tháng qua, giá mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội tăng mạnh. Để bình ổn giá cả thị trường, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại đang nỗ lực dự trữ hàng hóa nhất là hàng thực phẩm.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, nếu ở thời điểm tháng 7 năm 2010, giá các loại thịt lợn chỉ 45.000 - 70.000 đồng/kg thì đến tháng 7 năm 2011, mức giá này bị đẩy lên đến 110.000 - 140.000 đồng. Như vậy, trong vòng một năm, giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội đã tăng hơn 100%.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng, việc thiếu hụt đàn lợn sau dịch bệnh chưa đến mức trầm trọng và cũng không phải là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn trên thị trường lên cao. Giá lợn hơi vẫn đứng ở mức cao do chi phí đầu vào tăng mạnh. Mặc dù giá thực phẩm tươi sống tăng nhưng không có hiện tượng khan hàng sốt giá. Qua khảo sát tại các chợ, siêu thị lượng hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn không có thiếu hụt lớn, lượng hàng vẫn được đảm bảo.
 
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Thời điểm này, Big C vẫn đảm bảo số lượng thực phẩm để cung cấp cho thị trường và chưa khi nào nguồn nhập vào siêu thị bị khan hiếm.
 
 
Ngày 9/8, Bộ Công Thương cho biết, nhằm thực hiện Thông tư liên tịch số 29/2011 giữa hai Bộ Công Thương và Tài chính, từ ngày 18/9 tới, sẽ tiến hành nhiều cuộc kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại và lĩnh vực giá; Khi thị trường có biến động bất thường về cung cầu, giá cả thay đổi đột biến do thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, hoặc trong các trường hợp bất thường khác.
Để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường, các doanh nghiệp thương mại và ngành công thương Hà Nội đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn cung ứng. Bà Nguyễn Thị Phi Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh, đơn vị chuyên sản xuất, chế biến gia súc gia cầm cho biết, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Hà Nội, bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị chăn nuôi đảm bảo cung ứng đủ nguồn lợn theo đúng hợp đồng đã ký, doanh nghiệp còn đẩy mạnh việc khai thác nguồn lợn thịt tại các tỉnh phía Nam. "Nhờ đảm bảo được nguồn hàng nên mỗi ngày công ty thường xuyên cung cấp từ 10 - 12 tấn thịt lợn đã giết mổ ra thị trường" - bà Anh nói.
 
 Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2011, Hapro đã và đang triển khai sâu rộng việc dự trữ và phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. Trong đợt tạm ứng vốn đợt 1 của UBND TP. Hà Nội, đơn vị đã được tạm ứng 155 tỉ đồng thực hiện dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu. Từ số vốn này Haprođã dự trữ 2.140 tấn gạo; 320 tấn thịt lợn; thịt gà, vịt: 150 tấn; trứng: 800.000 quả; thủy, hải sản: 300 tấn; thực phẩm chế biến: 520 tấn; dầu ăn: 350.000 lít; đường: 90 tấn; rau củ: 1.000 tấn. Ngoài lượng hàng hóa dự trữ từ nguồn vốn tạm ứng đợt 1, Hapro đang thực hiện dự trữ thêm lượng hàng hóa với giá trị khoảng 310 tỉ đồng từ nguồn vốn tự huy động, nâng tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ chương trình bình ổn của Hapro lên khoảng 465 tỉ đồng. Để lượng hàng hóa này đến tận tay người tiêu dùng, Hapro đã bố trí 400 điểm bán hàng bình ổn giá tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2010.
 
Không chỉ các doanh nghiệp mới đẩy mạnh hoạt động này với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương Hà Nội đang ráo riết thực hiện các giải pháp ngăn và dài hạn trong việc bình ổn giá hàng thực phẩm.Ông Đồng cho biết: Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tăng cường thu mua, dự trữ mặt hàng rau, thịt, trứng theo đúng cam kết, cân đối cung cầu, chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua lợn từ thị trường phía Nam; Yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường chống tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá. Nhằm hỗ trợ doanhnghiệp tìm kiếm nhà cung cấp, trong thới gian qua, Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trườngthực phẩm tại các tỉnh lân cận Hà Nội như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Ngoài ra, Sở Công Thương đã thảo luận với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trong việc phát triển đàn lợn và các vùng trồng rau tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ.
 
 
Bộ Tài chính sẽ thực hiện một số biện pháp về tài chính để bình ổn giá thực phẩm trong thời gian tới. Trong đó, sẽ xem xét thực hiện một số biện pháp về tài chính như: tăng thuế và giám sát việc xuất khẩu thực phẩm, kết hợp với biện pháp hành chính nhằm hạn chế tình trạng thu gom, xuất bán thực phẩm theo đường tiểu ngạch. Ngành tài chính các địa phương sẽ tăng cường giám sát, hạn chế tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi, giết mổ thông qua việc: hỗ trợ giống, vật nuôi; giám sát chặt việc đăng ký tăng giá thức ăn chăn nuôi…