Lượng hàng tồn tăng mạnh
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, do khủng hoảng kinh tế nên nhu cầu tiêu thụ than giảm đáng kể, thuế xuất khẩu than của Việt Nam đang cao hơn thế giới từ 7 - 10%, nên nhiều khách hàng đã chấm dứt hợp đồng nhập khẩu than. Điều đó dẫn đến lượng than tồn kho trong nước lên tới hơn 8,9 triệu tấn.
Tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD) hiện nay, không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển của DN, mà còn phát sinh nhiều chi phí, do tồn đọng vốn, bảo quản, lưu kho bãi... Điều này gây tác động xấu tới hình ảnh DN, DN vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn, chi phí vay sẽ cao hơn... Rõ ràng, hàng tồn kho lớn đang gây tác động kép.
Nếu như DN than chỉ gặp khó trong hoạt động xuất khẩu và giảm mức tiêu thụ trong nước thì ngành giấy còn đối mặt với việc giá cả vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào như: gỗ, bột giấy, điện than, hoá chất… tăng mạnh. Bên cạnh đó, các sản phẩm giấy do Việt Nam sản xuất chủ yếu là giấy in, còn sản phẩm giấy photocopy, giấy ram, vở tuy có sản xuất nhưng không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu…
Đây là những nguyên nhân khiến đến hết tháng 6/2012, lượng giấy và bìa tồn kho tăng 15,6%, giấy nhăn và bao bì tăng 130% so với cùng kỳ 2011.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nhiều doanh nghiệp giấy đã vhủ động tiết giảm sản xuất, linh hoạt trong chính sách bán hàng để hạn chế hàng tồn kho. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất giấy của Công ty Giấy Hùng Thịnh.
Để tiêu thụ được sản phẩm, Vinacomin đã tiến hành giãn nợ và tiếp tục bán chịu than cho những DN tiêu thụ số lượng lớn; Nâng cao chất lượng than, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với loại than cám. Hiện, Vinacomin chỉ đạo 6 đơn vị kinh doanh than rà soát lại giá bán, tiết giảm chi phí sản xuất, bán hàng, từ đó xây dựng cơ chế giảm giá cho khách hàng; đồng thời tăng cường tiếp thị, áp dụng các cơ chế linh hoạt để duy trì khách hàng truyền thống và tìm kiếm đối tác mới.
Bên cạnh đó, Vinacomin cũng đẩy mạnh thoái vốn với các công ty liên kết không liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than; Tập trung vốn cho các dự án, tạo ra sản phẩm nhanh như các dự án khai thác than hầm lò... "Cơ chế bán than đã có, giữa lúc khó khăn này chúng ta phải chủ động tìm đến khách hàng. Cần xác định bán được hàng giờ đây là yếu tố sống còn của ngành than" - ông Biên nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho SXKD than, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Vinacomin được vay vốn ngân hàng nước ngoài dài hạn từ 10 năm trở lên để đầu tư phát triển các mỏ than mới, bảo lãnh cho Tập đoàn vay vốn nước ngoài; Cho phép Liên bộ Công Thương - Tài chính phối hợp điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện theo lộ trình điều chỉnh giá bán điện, từ đó giá bán than cho điện bằng giá thành sản xuất than năm 2011.
Trong khi đó, hầu hết các DN ngành giấy lại thực hiện các chính sách bán hàng linh hoạt, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại. Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết: Bên cạnh việc áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ cho các đại lý cấp 1, công ty còn vay hơn 10 triệu USD từ đối tác Nhật Bản với mức lãi 1,7%/năm để thực hiện chính sách bán hàng mới trên tiêu chí duy trì thị phần và chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải. Ngoài ra, DN đặc biệt chú trọng tới việc mở rộng đại lý phân phối tại thị trường nông thôn, miền núi thông qua chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thực tế sản xuất, kinh doanh của các DN ngành giấy cho thấy, lượng giấy tồn kho tăng cao nhưng tập trung chủ yếu tại các DN Nhà nước đang sản xuất theo kế hoạch, còn các DN tư nhân chủ động giảm sản xuất nên lượng hàng tồn kho không nhiều. Muốn tiêu thụ được sản phẩm, đòi hỏi các DN ngành giấy phải xem xét khả năng mua hàng của dân để tính toán lại phương án sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm sao cho phù hợp với đối tượng khách hàng, bảo đảm giá thành hợp lý, để hạn chế cao nhất lượng hàng tồn kho.