Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm lãi suất đang được "trợ lực" từ nhiều phía​

Theo Báo Tin tức
Chia sẻ Zalo

Nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng qua, cho thấy: Những tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, cả trong và ngoài nước.

Đó là áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Cùng với đó, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%). Việc phát hành Trái phiếu Chính phủ 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch; lợi suất Trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6, thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất. Lãi suất huy động hiện tương đối ổn định, lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên, Cụ thể, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên giảm về mức 6,5%/năm, cá biệt đã có ngân hàng thương mại giảm về 6%/năm, thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước 0,5%.
Đặc biệt nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ngày 19/7/2017.
Bản báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, tháng 7/2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, biểu hiện ở lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, giảm từ 0,6 đến 1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6 và giảm từ 3 - 4% so với đầu năm. Nguyên nhân thanh khoản dồi dào trong thời gian qua chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước mua thêm 1 lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung VND ra thị trường.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cho vay theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch.