Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá tại cuộc họp Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 18/7.
Bộ trưởng cho biết, tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất là vấn đề rất quan trọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18 - 20%. “Theo chỉ thị của Thủ tướng, tín dụng không nên chảy vào một số DN lớn mà phải chảy vào DN khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh. Tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN”.
Trong năm 2016, cả nước có 110.000 DN thành lập mới, 6 tháng đầu năm có xấp xỉ 60.000 DN mới, nhưng số DN dừng hoạt động, đóng cửa cũng tăng mạnh do các nguyên nhân như khó khăn về tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách… "Theo tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn với 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng. Như vậy, riêng tiền thuế thu nhập DN đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Mặt khác, nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Để giảm lãi suất, NHNN phải có giải pháp thực hiện sớm, thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua. Đại diện Chính phủ yêu cầu NHNN cần có hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng từ việc bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu… “Không xử lý nợ xấu không thể hạ lãi suất".
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng hết sức chú trọng vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Đặc biệt là huy động USD, thay vì gửi với lãi suất 0% thì nên tìm cách huy động nguồn lực này để hoà vào các nguồn lực khác cho đầu tư. "NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này. Chúng ta vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%, vậy huy động trong dân thế nào"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bên cạnh 3 nhiệm vụ hạ lãi suất, xử lý nợ xấu và huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân, Thủ tướng cũng giao Tổ Công tác truyền đạt yêu cầu NHNN phải đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả là chống sở hữu chéo; quan tâm nhất là thủ tục cho DN vay cần thuận lợi hơn và có giải pháp để triển khai thực hiện gói tín dụng 100.000 tỉ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất hợp lý ưu đãi hơn; đảm bảo an toàn thông tin mạng khuyến khích người dân dùng thanh toán thẻ.