Nằm ven Vườn Quốc gia Ba Vì, xã Ba Vì là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất của huyện Ba Vì. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sống bám vào những ruộng vườn, nương rẫy cho thu nhập thấp. Nguồn thu từ cây thuốc Nam ngày một hạn chế, do dược liệu không còn dồi dào như trước. Đến nay, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc xã Ba Vì mới đạt khoảng 20 triệu đồng/năm. Trong khi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao nhất toàn TP với khoảng 17%. Chỉ riêng tiêu chí hộ nghèo cũng đang là rào cản gian nan, trên đường về đích nông thôn mới của địa phương vùng dân tộc thiểu số này.
|
Chăm sóc cây quất cảnh tại xã Tàm Xá, huyện Đông Anh. Ảnh: Tùng Trọng |
Ngoài xã Ba Vì, huyện Ba Vì hiện còn 12 xã khác chưa đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là địa phương có số xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo cao nhất toàn TP với 13 trong tổng số 21 xã. 8 xã còn lại chưa đạt tiêu chí này thuộc các huyện: Chương Mỹ (2 xã), Mỹ Đức (2 xã), Phú Xuyên (1 xã), Sóc Sơn (1 xã), Thường Tín (1 xã) và thị xã Sơn Tây (1 xã). Ngoài 21 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo, toàn TP hiện còn 42 xã thuộc 7 huyện, thị xã mới cơ bản đạt tiêu chí này. Nguy cơ tái nghèo bởi vậy luôn tiềm ẩn.
Cùng với tỷ lệ hộ nghèo, toàn TP hiện vẫn còn 34 xã chưa đạt tiêu chí thu nhập. Đáng chú ý, hầu hết các địa phương chưa đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo thì tiêu chí thu nhập cũng đạt rất thấp. Rào cản “kép” trên khiến mục tiêu về đích nông thôn mới của nhiều địa phương thêm phần gian khó.
Đa dạng sinh kế cho nông dânĐể giải quyết hai bài toán thu nhập, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo, đa dạng hóa nguồn sinh kế cho người nông dân được xem là giải pháp căn cơ, mang ý nghĩa lâu dài.
Cụ thể hóa định hướng trên, những năm qua, Hà Nội đã mạnh dạn lựa chọn chủ trương và chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa. Trên cơ sở dồn ghép ruộng đất đạt 75.980ha, 18 huyện, thị xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, đã chuyển đổi được trên 33.884ha, chủ yếu là lúa chất lượng cao, hoa cây cảnh, rau màu, nuôi trồng thủy sản… cho giá trị kinh tế vượt trội.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản tiếp tục được phát triển, nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 126 mô hình nông nghiệp công nghệ cao và 118 mô hình liên kết chuỗi. Dù số lượng vẫn còn khiêm tốn, nhưng các mô hình nông nghiệp tiến bộ đang góp phần quan trọng trong việc định hướng sản xuất nền nông nghiệp mới tại các địa phương.
Bên cạnh chuyển đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 2018 đến nay, TP cũng đã giải quyết việc làm cho 24.900 lao động nông thôn. Xét duyệt cho 1.863 hộ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với tổng số tiền 59 tỷ đồng…
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở dân cư cho các hộ nghèo, hỗ trợ vay vốn khuyến nông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất...
Bên cạnh mở rộng sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, tạo đòn bẩy từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng và giá trị lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội xuống còn dưới 1,5% theo tiêu chí mới vào năm 2020.