Đề nghị ban hành Luật Quản lý sử dụng ODA
Bên cạnh những đóng góp tích cực của ODA vào phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga chỉ ra một số bất cập cụ thể: 20 năm sử dụng ODA mà đến nay, hành lang pháp lý cơ bản vẫn là nghị định, Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao vấn đề này. Dẫn ra các vụ PMU 18, Huỳnh Ngọc Sỹ, dự án Danida Đan Mạch, JTC đường sắt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: "Tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài. Điều này góp phần làm cho những bất cập, sai phạm trong dùng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý: "Sau khi chúng ta thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm đi, điều kiện vay và trả nợ khắc nghiệt hơn, nếu lạm dụng ODA sẽ để lại gánh nặng nợ nần cho tương lai". Đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn ODA, theo đó chú trọng quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong ODA, công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, các dự án và quy trình phân bổ… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án.
Quanh vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh: Không vay ODA cho chi thường xuyên. Các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công sẽ tăng lên, tác động đến con cháu chúng ta sau này.Cùng với câu chuyện nợ công, vấn đề căng thẳng ngân sách cũng được các ĐB Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình), Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình), Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre)... quan tâm và yêu cầu Chính phủ làm rõ vì sao ngân sách không có nguồn để tăng lương.
Dư địa giảm lãi suất vẫn còn
Bàn về mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát 5,5% Chính phủ đề ra, nhiều ĐB đồng tình song cho rằng: Cần tăng tổng vốn đầu tư lên 32% GDP thay vì kế hoạch 30% hiện nay. ĐB Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển; tập trung đầu tư cho ngành nghề, lĩnh vực bám biển bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh…
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề xuất phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho DN vay trung, dài hạn để đầu tư, tăng sản xuất trong nước, giảm độ mở nền kinh tế để tránh tổn thương. Theo tính toán, trong 10 tháng đầu năm nay, lạm phát chỉ 2,36% và dự báo cả năm nay chỉ số này chỉ trên dưới 4%. Nếu so sánh lạm phát là 2,36% và lãi suất huy động như mức trần 5,5%/ năm, dư địa giảm lãi suất huy động hiện nay vẫn còn, từ đó lãi suất cho vay cũng có thể giảm theo.
Liên quan đến nút thắt nợ xấu, nhiều ĐB băn khoăn mục tiêu giảm xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 và cho rằng, công ty mua bán nợ xấu VAMC sau một năm hoạt động chưa có hiệu quả, nút thắt của vấn đề là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu.
Phát triển nguồn nhân lực chưa tương xứng
Trong 14 chỉ tiêu đề ra có một chỉ tiêu không đạt, đó là chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 49% so với kế hoạch 52%. Nguyên nhân theo các ĐB là do chưa có sự phân luồng, quy hoạch, người dân, bằng cấp. "Thế nên, mới có tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc; kỹ sư làm xe ôm; cử nhân làm giúp việc…" - ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu và nhấn mạnh: Vấn đề năng suất lao động thấp là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng, từ góc độ các yếu tố đầu vào, kinh tế tăng trưởng dựa vào 3 yếu tố chính là lao động, năng suất và các nhân tố tổng hợp. ĐB đặt vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc, bởi đây chính là chìa khóa cho phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Các ĐB cũng đề cập đến các vấn đề xã hội bức thiết như đổi mới giáo dục, y tế, phòng chống tệ nạn xã hội. Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội cần xem xét nghiên cứu, cho phép một số giải pháp tình thế (có nghị quyết riêng hoặc đan xen trong nghị quyết về kinh tế - xã hội) để giải quyết tình hình cai nghiện ma túy.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu ý kiến. Ảnh: Trí Dũng
|
Việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Phát hành 137.000 tỷ đồng trái phiếu đảo nợ Được yêu cầu giải đáp thêm cho ĐB về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Tình hình kinh tế khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, khiến nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ. Đến năm 2015, khoản nợ này tương đương 64,2% GDP. Tuy các chỉ tiêu quản lý nợ hiện vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng tình hình đang rất khó khăn. Hơn 98% nợ công là để đầu tư phát triển, trong đó nợ trong nước chiếm 51% và có xu hướng tăng. Nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA. Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu chi ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận: Cơ cấu nợ hiện không bền vững, phần lớn các khoản vay trong nước là ngắn hạn, phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng (dự toán năm 2014 là 77.000 tỷ). Nếu thu ngân sách vượt lên theo báo cáo Quốc hội, có thể bố trí vào thì con số của năm 2014 có thể giảm đi. Còn dự toán năm 2015 là 130.000 tỷ đồng. |
Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà: Đào tạo nghề còn dàn trải
Cơ cấu đào tạo nghề nhiều bất cập khiến xu hướng tuyển dụng lao động giữa nam và nữ có sự khác biệt về trình độ. Tỷ lệ nam được dạy nghề ngày càng dễ xin việc làm hơn. Tỷ lệ nữ có trình độ đại học được tuyển dụng cao hơn. Điều lo ngại thị trường lao động Việt Nam dù đang phát triển cả về lượng và chất, song vẫn còn những nghịch lý, đó là tình trạng vừa thiếu hụt bộ phận lao động chuyên nghiệp có trình độ cao, nhất là các chuyên gia và nhà quản lý cao cấp, vừa đang dư thừa lượng lớn lao động xã hội. Trong khi công tác đào tạo nghề, nhất là tại khu vực nông thôn còn dàn trải, không tập trung nên hiệu quả thấp. Nhiều trường hợp dù đã được đào tạo rồi, tuy nhiên khi tuyển dụng DN vẫn phải đào tạo… lại mới làm được việc.
Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hộiTP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch: Không thể vay ODA để chi thường xuyên
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta nếu chỉ tích lũy để đầu tư mà không vay nợ thì làm sao mà phát triển được. Tuy nhiên, vấn đề là sử dụng nợ của nước ta hiện nay không hiệu quả, đầu tư tràn lan ngoài ngành, hiện đang đứng trước vấn đề là nợ phải trả hàng năm đang lên ngưỡng báo động, ngưỡng so với nợ phải trả. Hiện ta đang phải vay để đảo nợ, đây là vấn đề cần phải tính toán. Bên cạnh đó, nguyên tắc không thể vay ODA để chi thường xuyên, nhưng hiện nay khái niệm của Việt Nam về chi đầu tư và chi thường xuyên đang có vấn đề, lẫn lộn, cần phải xem lại. Chúng ta xây trụ sở cơ quan phải là chi đầu tư sao lại gọi là chi thường xuyên. Vì vậy cần minh bạch thế nào chi đầu tư và thế nào chi thường xuyên.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội): Phải đánh tan “cục máu đông” nợ xấu
Về cơ bản, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Cách thức xử lý nợ xấu hiện nay mới chỉ là bỏ bớt nợ xấu ra khỏi các tổ chức tín dụng thông qua VAMC hoặc bằng biện pháp kế toán chuyển "nợ xấu" thành nợ chưa xấu chứ chưa loại bỏ ra khỏi nền kinh tế. Không có tiền thật và cũng chưa có quy chế bán lại nợ xấu, cho nên về bản chất thì nợ xấu vẫn "xấu" và nợ xấu vẫn cản trở lưu thông chưa làm cho thị trường tín dụng trở lại hoạt động bình thường. Để tránh "di căn" và chữa bệnh triệt để cho nền kinh tế, biện pháp xử lý của NHNN với nợ xấu cần quyết liệt và thực chất hơn.
Đại biểu Bế Xuân Trường (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Kạn): Tài nguyên khai thác mãi cũng hết
Hàng Việt Nam không cạnh tranh được với hàng thế giới bởi lẽ, hàng Việt chủ yếu là gia công và lắp ráp hay nói cách khác là thiếu linh hồn công nghệ cao. Nhưng mấy năm qua vấn đề này chưa được đầu tư mạnh mẽ, khai thác tài nguyên khoáng sản mãi cũng hết nhưng khai thác không hết là trí tuệ của người Việt Nam. Do đó, quan trọng nhất chính là cơ chế chính sách chiêu hiền đãi sĩ để phát huy yếu tố này.
|