Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát tại Sở LĐ-TB&XH: Cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Sở LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để từ đó đề xuất Thành phố tạo cơ chế khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; HĐND Thành phố sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho công tác này”, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh trong buổi giám sát tại Sở LĐ-TB&XH Hà Nội chiều nay (19/9).

Thực hiện chương trình giám sát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, chiều nay (19/9), Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc của đoàn giám sát số 2 - HĐND TP tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTB&XH). Cùng dự có Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2016 đến nay, các chỉ tiêu cơ bản mà Sở được giao tại Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND TP về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 đều hoàn thành, trong đó tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 còn 1,16% (về đích trước 2 năm so với mục tiêu giảm nghèo của TP) và dự kiến cuối năm nay còn 0,3%. Hiện TP có 5 quận không còn hộ nghèo là Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm; các quận khác có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Các nhiệm vụ trong những lĩnh vực công tác khác cũng đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch TP giao hàng năm.
Kết quả này đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội của TP. Người lao động ngày càng được tiếp cận nhiều kênh thông tin tìm kiếm việc làm, từ đó có nhiều cơ hội làm việc ở môi trường phù hợp năng lực trình độ chuyên môn và được hỗ trợ kịp thời khi bị mất việc; đa số học sinh, sinh viên học nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay; hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy và các chính sách đặc thù của TP đã đáp ứng được nhu cầu điều trị nghiện của người nghiện và gia đình họ... Nhất là người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng quản lý của ngành được quan tâm, chăm lo chu đáo. Công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc thực hiện quy định pháp luật về các lĩnh vực của ngành cũng được thực hiện thường xuyên, các vi phạm pháp luật bị phát hiện đều được xử lý nghiêm. Việc TP tập trung hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo từ năm 2016 đến nay đã đưa Hà Nội hiện cơ bản không còn gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo có nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận trong công tác của ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là công tác dạy nghề chưa bắt kịp xu thế phát triển và chưa có sự gắn kết chặt giữa dạy nghề và tạo việc làm; còn tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Cùng với đó, số vụ việc mất an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn TP nhất là các công trình xây dựng còn cao; tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp...
 Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà kết luận tại buổi giám sát
Lắng nghe các ý kiến tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá: Sở LĐ-TB&XH trong nhiệm kỳ này có nhiều cố gắng giúp tỷ lệ hộ nghèo của TP đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch TP đặt ra cho giai đoạn 5 năm theo Nghị quyết HĐND TP. Sở cũng đã tham mưu cho TP các giải pháp để đến năm 2020 cơ bản trên địa bàn không còn hộ nghèo, thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách tiền lương, BHXH; công tác tuyên truyền đến người lao động; chăm sóc đối tượng người có công; thực hiện bảo trợ xã hội; chăm sóc bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội... đều có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TP lưu ý Sở cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan và nêu bật những giải pháp mạnh để thực hiện các chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn. Trong đó, ngành cần đánh giá thực chất hơn về chất lượng đào tạo nghề nông thôn hiện nay của TP, phân bổ cho hợp lý giữa các quận, huyện và sau đào tạo thì bố trí việc làm thế nào - Sở cần tham mưu để các địa phương có được cam kết về việc này. Về tỷ lệ thất nghiệp, đồng chí cho rằng tuy có giảm nhưng tình trạng thất nghiệp còn nhiều ở các vùng nông thôn, khó kiểm soát lao động tự do, nên Sở cũng cần tăng phối hợp với các địa phương để giải quyết.
“Trong 4 nhóm chỉ tiêu thì 3 nhóm đã hoàn thành vượt kế hoạch, còn lại 1 nhóm chỉ tiêu ước sẽ đạt, Sở cần chỉ đạo quyết liệt để về đích sớm. Ngoài thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đơn vị cần chủ động cùng các cấp, ngành TP tăng rà soát tình hình phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, ngành cần đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát để từ đó đề xuất TP tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; HĐND TP sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho công tác này”, đồng chí nhấn mạnh.