Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học tại quận Đống Đa

Hồ Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn đã làm việc với quận Đống Đa về kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND TP về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo lãnh đạo quận Đống Đa, trong giai đoạn 2011 - 2016, quận đã quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục các cấp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Sau khi đầu tư xây dựng 4 trường mầm non công lập trên địa bàn các phường: Láng Thượng, Trung Liệt, Ngã Tư Sở, Phương Mai, đến năm 2015, quận đã hoàn thành xóa “điểm trắng” trường mầm non, đảm bảo 21/21 phường đã có trường mầm non công lập. Trong giai đoạn 2017 - 2030, quận sẽ tiếp tục cải tạo và xây mới thêm 7 trường mầm non công lập. 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với quận Đống Đa.
Với bậc tiểu học, hiện 19/21 phường có trường tiểu học công lập, trong giai đoạn tiếp theo, quận sẽ đầu tư cải tạo và xây mới thêm 10 trường… Do quan tâm đầu tư cơ bản cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống trường chuẩn hóa đồng bộ theo hướng tiên tiến và hiện đại, hiện có 52,6% trường tiểu học, 68,75% trường THCS công lập đạt chuẩn quốc gia.

Một trong những vấn đề được đoàn giám sát quan tâm nhất tại quận Đống Đa là sự mâu thuẫn giữa mật độ dân số cơ học tăng nhanh nhưng quỹ đất không thay đổi; các khu chung cư cao tầng mới đông dân cư thiếu trường học, vì vậy ở một số trường số học sinh/lớp, còn vượt quy định. Cụ thể, sĩ số trung bình ở bậc mầm non là 37,5 trẻ/nhóm lớp (chỉ tiêu TP khoảng 30 trẻ/nhóm lớp); bậc tiểu học là 48,2 học sinh/lớp (chỉ tiêu TP 30 học sinh/lớp); bậc THCS là 39,7 học sinh/lớp (chỉ tiêu TP là 30 học sinh/lớp). Thêm nữa, quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu; diện tích đất nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây trường mới rất khó khăn.

Đến nay, trên địa bàn quận còn 2 phường chưa có trường tiểu học, 5 phường chưa có trường THCS công lập. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng số lượng trường chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khu vực ngoài công lập còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ học sinh THCS được học 2 buổi/ngày mới đạt 5,2%, trong khi chỉ tiêu TP đặt ra là khoảng 50%.

Để khắc phục những hạn chế trên, quận Đống Đa đề nghị TP xem xét ưu tiên giành quỹ đất cho giáo dục, để có điều kiện mở rộng và xây mới các trường công lập, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường theo đúng quy định. Có quy định cụ thể cho các khu chung cư cải tạo xây dựng mới phải xây dựng đủ trường học theo nhu cầu, trong đó ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường công lập.

Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng. Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đảm bảo có đủ chỗ đạt chuẩn cho học sinh mầm non, phổ thông. Việc quy hoạch mạng lưới giáo dục phải đảm bảo những yêu cầu cần thiết như tạo nên sự đồng bộ giữa các trường và các địa bàn dân cư. Nâng cao chất lượng dạy và học của tất cả các trường công lập và ngoài công lập. Huy động tối đa nguồn lực từ công tác xã hội hóa phục vụ cho giáo dục, điển hình như trường THCS Đống Đa và THCS Láng Thượng.

Đề nghị quận Đống Đa tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy mô của quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy mô tăng dân số trên địa bàn, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Quận nên tập trung xây dựng phát triển hệ thống giáo dục các cấp, đảm bảo quy mô chất lượng theo hướng chuẩn hóa. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Xây dựng cơ cấu giữa trường công lập và ngoài công lập hợp lý.

Đoàn giám sát cũng đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát các chính sách của TP về phát triển giáo dục để tìm ra những khó khăn vướng mắc và đề xuất hướng khắc phục một cách cụ thể, tạo hành lang pháp lý để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND.