Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm “sốc” cho thị trường bất động sản

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) bước vào năm 2019 với những tín hiệu tích cực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Nhưng theo đánh giá chung, trong năm nay, thị trường sẽ không thực sự bùng nổ như kỳ vọng bởi những chính sách siết chặt tín dụng.

 Thị trường bất động sản đang nhiều triển vọng, tiềm năng để phát triển. Ảnh: Thanh Hải
Trong diễn đàn “Xu hướng đầu tư BĐS năm 2019” diễn ra vào ngày 16/5 tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia và DN đã cùng bàn thảo về những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sự phát triển của các DN liên quan đến việc siết chặt các nguồn tín dụng và chính sách BĐS.
Chính sách tác động thị trường
Theo đánh giá, 2019 sẽ là năm bắt đầu bước vào giai đoạn thanh lọc, chỉ những chủ đầu tư uy tín, triển khai dự án chất lượng mới chiếm được thị phần trên thị trường. Cùng với đó là những chính sách siết chặt về nguồn tín dụng BĐS, bao gồm vốn vay đầu tư, vốn vay mua, chính sách về thuế...
Năm 2019 cũng là thời điểm đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ - CP của Chính phủ liên quan quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Theo đó, tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao.
Trước đó, tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn và cho vay dài hạn từ 60% xuống 40% trong vòng 2 năm, từ 1/2019 tỷ lệ này đã giảm tới 40%. Trong khi đó, lại tăng tỷ lệ an toàn trong vay BĐS từ 150% lên 250%.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, nếu áp dụng cách tính này, mỗi năm các DN sẽ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. “Điều này ảnh hưởng đặc biệt đến các DN lớn, theo đề xuất của tôi, Nhà nước nên giãn lộ trình thực hiện nghị định này để các DN có thời gian chuẩn bị tài chính và cũng để tránh gây sốc cho thị trường” - ông Nam nói.
 Khách hàng tham khảo một dự án bất động sản tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Rủi ro tiềm ẩn
Trong xu thế hiện nay, thị trường BĐS nói chung tại Việt Nam đã phát triển tương đối ổn định. Nhiều DN đã chuyển hướng sang các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu mới của thị trường, như BĐS du lịch, công nghiệp, văn phòng cho thuê... Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứ quản lý T.Ư Trần Kim Chung, mặc dù thị trường đang đầy tiềm năng, nhiều triển vọng phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, mà các DN BĐS cần lưu ý để chuẩn bị đối phó.
“Có 5 rủi ro tới thị trường trong thời gian tới: Rủi ro kinh tế quốc tế lợi nhiều hơn hại; Rủi ro về kinh tế vĩ mô sẽ không có gì biến động; Rủi ro về thị trường ảnh hưởng tới việc điều chuyển luồng tiền; Rủi ro giữa các đối tác với nhau tuy là không nhiều; Rủi ro về chính sách mặc dù hiện nay những chính sách chưa có gì biến động gì” - ông Chung cho biết.
Cũng theo ông Trần Kim Chung, trong năm 2019, thị trường sẽ biến động theo 3 xu hướng. Thứ nhất, nếu thị trường vẫn diễn biến bình thường không có gì xảy ra thì sẽ đi ngang với mức độ hơi điều chỉnh xuống; Thứ hai, sẽ có 3 nhóm BĐS nổi lên gồm BĐS công nghiệp, BĐS cao cấp và siêu cao cấp, nhà cho thuê ở mức độ bình dân; Thứ ba, biến động kinh tế thế giới không thuận kéo theo những ảnh hưởng tới Việt Nam; nếu kinh tế vĩ mô chỉ đi ngang thì thị trường BĐS có thể sẽ điều chỉnh và nếu có xảy ra sẽ là cuối năm. “Do đó, tôi cho rằng, năm nay là một năm nền kinh tế phát triển ổn định và thị trường BĐS không có nhiều xung lực nhưng không phải là yếu” – ông Chung chia sẻ.