Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thuế thu nhập, “khoan sức” cho doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, trong đó mức thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) và DN siêu nhỏ được đề xuất giảm mạnh, nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, để luật thuế thực sự hiệu quả, Bộ Tài chính cần tiếp thu ý kiến của DN để có những sửa đổi thuận lợi cho DN.

Hướng tới DN nhỏ và vừa

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DNNVV ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Vì thế, Bộ đang đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là DN nhỏ áp dụng thuế suất 17%; DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Trong đó, tiêu chí xác định DN hưởng thuế suất ưu đãi chỉ áp dụng đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV (không áp dụng mức thuế suất 17% đối với DN vừa). Cụ thể, DN siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DN nhỏ (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Chiến Công

Phương án 2 là áp dụng một mức thuế suất 17% đối với DNNVV, trong đó xác định tiêu chí DNNVV như quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 nhưng nâng mức doanh thu làm căn cứ xác định DNNVV từ không quá 20 tỷ đồng/năm tại Luật số 32/2013/QH13 hiện hành lên 50 tỷ đồng/năm.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng, Việt Nam hiện có trên 95% DN là DNNVV, trong số đó có rất nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ. Do vậy, chủ trương sửa đổi chính sách thuế lần này sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam cũng cho rằng, phương án giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính là tín hiệu rất tốt nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho DN. Chính sách này, rất quan trọng với sự phát triển của DN, trước mắt và lâu dài. Nhưng giảm cụ thể như thế nào cần cân nhắc kỹ trên cơ sở phân tích chi phí của DN.

Việc sửa đổi như vậy đang được cộng đồng DN ủng hộ, bởi điều này sẽ tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những quy định được DN kiến nghị ban soạn thảo Luật cần cân nhắc trên cơ sở đánh giá thực tế hoạt động của DN.

Cân nhắc phân loại lại chỉ tiêu đánh giá

Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Luật không nên áp dụng mức thuế suất TNDN khác nhau 15 - 17 - 20% theo quy mô doanh thu, lao động, vì phức tạp, không hợp lý, không có nhiều ý nghĩa thực tế, dễ bị gian lận, lợi dụng... Điều đó vô hình trung khuyến khích DN duy trì quy mô nhỏ, khó phát huy được lợi thế hiệu quả, cạnh tranh.

Vấn đề quan trọng nữa được cộng đồng DN quan tâm là cách xác định, phân loại đánh giá DN, bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mức thuế mà DN phải đóng. Đại diện Công ty TNHH Khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét lại quy định mức doanh thu 50 tỷ đồng/năm vẫn coi là hoạt động của DN nhỏ. Đại diện DN này đề nghị nên phân loại lại chỉ tiêu đánh giá, phân loại DN theo Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 để từ đó đặt ra tỷ lệ thuế suất phù hợp.

Ngoài ra, theo bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia về thuế - hải quan của Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A, để tạo điều kiện cho DNNVV, việc nộp thuế TNDN theo tỷ lệ (khoán) cho DN có doanh thu năm từ 3 tỷ đồng trở xuống, Bộ Tài chính nên đánh giá và khảo sát việc nộp thuế TNDN hiện nay. Đối với các DN có doanh thu từ 20 tỷ đồng trở xuống có chia ra nhiều bậc, từ đó có quy định mức khoán cho những DN này phù hợp. Điều đó sẽ có lợi cho việc thu ngân sách, tiết kiệm chi phí cho DN trong việc tổ chức kế toán và làm thủ tục giải thể DN, chi phí quản lý thuế.