Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giãn cách nhưng không xa cách

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội để cùng nhau phòng, chống dịch Covid-19. Hàng ngày, hàng giờ, trên các con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm TP xuất hiện nhiều hành động giúp đỡ, sẻ chia đong đầy yêu thương với những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Đó là những suất cơm, chai nước, chiếc bánh mì miễn phí trao đến tận tay người dân ở những khu cách ly y tế; những cây ATM gạo, sách miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng... xuất hiện tràn lan.

Xe buýt siêu thị 0 đồng đến với người lao động khu cách ly, gặp khó khăn. Ảnh: Linh Nguyễn
Trong đó có thể kể đến các mô hình “Bữa ăn 0 đồng”, “Rau muống 0 đồng”… của tuổi trẻ quận Nam Từ Liêm hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; quận đoàn Đống Đa tiếp tục trao tặng thực phẩm cho người dân các phường được khoanh vùng là khu vực cách ly. Cùng với đó, nhiều việc làm thiết thực, chân tình đã được chính quyền các phường triển khai. Đơn cử như tại quận Ba Đình, nhiều phường đã thực hiện mô hình “đi chợ giúp dân”, lo cho những hộ bị cách ly, già yếu, neo đơn. Cùng với chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Hà Nội cũng tích cực giúp đỡ người dân khó khăn. Từ ngày 24/7, thông qua chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, LĐLĐ TP Hà Nội cũng đã vận chuyển các túi quà “An sinh Công đoàn” hỗ trợ kịp thời hơn 16.000 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các DN, khu nhà trọ, khu công nghiệp và chế xuất. Đồng thời, các cấp công đoàn TP đã tổ chức 34 “Siêu thị 0 đồng”, ”Chuyến xe siêu thị 0 đồng” để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp 16.526 túi "An sinh Công đoàn” tới người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Không chỉ có chính quyền vào cuộc, người dân Thủ đô cũng có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ sinh viên, công nhân, người lao động nghèo phải thuê trọ ở Hà Nội rơi vào tình cảnh chật vật, khó khăn. Bà Nguyễn Thị Châm, chủ nhà trọ tại ngõ 123 đường Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội, đã chủ động giảm giá thuê cho người thuê trọ. Bà Châm chia sẻ, người đi thuê nhà trọ đều rất khó khăn khi họ phải lo cái ăn, cái mặc hàng ngày, rồi phải lo chạy vạy để đóng tiền trọ hàng tháng. Khi dịch bệnh bùng phát, cuộc sống của họ càng khó khăn trăm bề.

Chặng đường chống dịch thời gian qua cho thấy càng trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái càng được khơi dậy. Dịch bệnh sẽ qua đi nhưng sự tử tế, tình yêu thương được kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng vẫn còn đọng lại mãi, người trao và người được nhận đều cùng nhau nở nụ cười hạnh phúc và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.