Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giãn cách xã hội và chuyện “số hóa” bán hàng của người nghèo

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp lớn “chuyển đổi số” để tránh bị đứt gãy nguồn cung, mở rộng thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh. Tiểu thương nghèo cũng nhanh tay “số hóa” hoạt động để duy trì bữa cơm hàng ngày không thiếu cá, rau.

"Bao ship tận nơi"
Thông tin "từ 0 giờ ngày... các địa phương sẽ đóng cửa chợ tự phát để phòng chống dịch bệnh" được công bố trên báo chí và truyền thông trên mạng xã hội. Thay vì xôn xao lo lắng như một số tiểu thương lớn tuổi khác, vợ chồng anh Phạm Tôn chuyên bán thịt bò, bò viên tại phần tự phát phía ngoài chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một thống nhất kế hoạch “Đi in nhanh danh thiếp. Trước giờ chợ đóng cửa mình tranh thủ vừa bán hàng vừa gửi danh thiếp cho người đi chợ. Để khi chợ đóng cửa, khách chỉ cần ở tại nhà alo là mình giao hàng tận nơi”.
Sạp bán thịt chuyển sang hoạt động bán qua điện thoại, ship tận nhà từ khi có lệnh đóng cửa chợ tự phát phòng chống dịch.

Sáng hôm sau lệnh đóng cửa chợ có hiệu lực. Chị Ngọc Mai - vợ Phạm Tôn vẫn thói quen dậy sớm. Thay vì bày hàng ra bán, thì chị quay sang quét dọn, sắp xếp lại quầy kệ. Mượn cây bút lông của con gái chị Mai ghi vội nội dung: Tại đây có bán các loại thịt bò. Số điện thoại....rồi làm nổi bật dòng chữ “Bao ship tận nơi” lên tấm bìa xốp. Mai mang tấm bảng ghi đầy đủ thông tin sản phẩm ra treo ngay giữa quầy kệ bán thịt hàng ngày đang trống không với vẻ mặt đầy tự tin, phấn khởi.
Sang chợ Phú Mỹ nằm trên đường An Mỹ (phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một) không khí cũng tương tự chợ Bình Điềm. Dãy kiot bán hàng ven đường tấp nập người đi chợ ngày nào giờ phải im ỉm đóng cửa. Lác đác phía trước cửa các kiot người ta bắt gặp những tấm bảng lớn nhỏ khác nhau với cùng thông tin “Tạm ngưng - Phòng chống dịch. Mua hàng xin gọi số điện thoại...”.
Chuyển đổi để tồn tại với bữa cơm hàng ngày của anh em có đủ cá, đủ rau.

Với các mặt hàng không bị ảnh hưởng thời gian như dầu ăn, tạp hóa thì ít phải lo vì không bị hư hỏng. Nhưng với thịt lợn, cá tươi, rau xanh...ngày nào phải bán hết ngày đó, phương thức bán hàng vô hình, bán hàng qua điện thoại có bảo đảm? Nguyễn Văn Phương 34 tuổi, dựng xe máy ngồi chơi dưới gốc cây dầu phía trước chợ Phú Mỹ cùng với tấm bảng mới tinh “Mua thịt lợn gọi số...giao hàng tận nơi” vui vẻ nói: “Khi chưa có dịch mỗi ngày nhóm của em mổ hàng chục con lợn. Giờ cách ly xã hội mình ngồi không thì tiền đâu trả tiền nhà, tiền ăn và tiền cho anh em phụ lò mổ. Để bữa cơm anh em mỗi ngày có cá, có rau chúng em duy trì hoạt động bằng cách mổ từng con theo buổi chợ, rồi chia nhau đến các chợ ngồi bán thế này. Vì mình đã có lượng khách quen. Phương tự tin cho biết: “Bán hàng vô hình nhưng giao hàng thì phải chất lượng, đúng ý khách, tiền “boa” có khi bằng với tiền hàng”.  
Bán hủ tiếu qua điện thoại
Trước khi có lệnh đóng cửa chợ tự phát, phòng chống dịch, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã khuyến cáo, hướng dẫn các quán ăn “Chỉ được bán mang đi”. Bà Lê Thị Ngọc Giàu bán hủ tiếu tại nhà nằm cạnh chợ Phú Mỹ nói: Mỗi sáng khách hàng là tiểu thương buôn bán tại các quầy sạp, tiệm tạp hóa, gia đình quanh chợ này chỉ gọi điện, quán mình mang đến tận nơi cũng đã ngót nghét 100 tô.
Bà Ngọc Giàu phân trần: "Cũng muốn nghỉ vài hôm, nhưng khách hàng cứ gọi. Có người còn trách móc “Quán nghỉ rồi sáng con tôi ăn gì”. Mà mở cửa thì chắc chắn sẽ có người “xin” được ngồi ăn tại quán. Quanh đây đã có nhiều quán bán chỉ được 1 - 2 khách mà phải nộp phạt vài triệu đồng rồi.
 Bán hủ tiếu qua điện thoại để không phải bị xử phạt vì khách hàng "xin" được ngồi ăn tại chỗ
Tính tới tính lui mình chọn cách “Bán hủ tiếu qua điện thoại”. Không dọn hàng ra bên ngoài, đặt bếp nấu trong nhà để tránh phải từ chối khách “xin” được ngồi ăn tại chỗ rồi bị chính quyền xử phạt."
“Làm nghề buôn bán thì sự hài lòng cho tất cả mọi người rất quan trọng. Nếu trước đây quán mình phục vụ không tốt, chất lượng không tốt, dù có mang số điện thoại gắn trước cửa nhà, người ta cũng không nhớ” - bà Giàu tự tin chia sẻ.
Post Mart ở một chỗ mua bán khắp nơi
Nằm trong chuỗi dịch vụ hành chính công, Bưu điện tỉnh Bình Dương nói riêng và hệ thống bưu điện cả nước nói chung được giao nhiệm vụ chuyển phát tận nơi các thủ tục hành chính nhà nước trong hệ thống “Một cửa”. Từ đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, hệ thống một cửa từ tỉnh đến các quận huyện, xã phường trong tỉnh Bình Dương đã tạm dừng hoạt động. Bưu điện tỉnh Bình Dương cùng các bưu điện, bưu cục trực thuộc trở nên quá tải.
Dù vậy theo yêu cầu của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Bình Dương đã đồng loạt khai trương Hệ thống Bách hóa Bưu điện (Post Mart) nhằm đáp ứng nhu cầu “nóng” của thị trường.
 Bách hóa Bưu điện, sàn thương mại điện tử ra đời lúc nhiều nơi đang áp dụng cách ly xã hội
Bà Lê Thị Mai Ka, Trưởng Phòng Kế hoạch Kinh doanh Bưu điện tỉnh Bình Dương cho biết: "Lợi thế của Bưu điện cả nước là đều nằm ở vị trí mặt tiền trung tâm đô thị. Đây là điều mong ước của nhiều doanh nghiệp kinh doanh. Hơn thế nữa ngành bưu điện đang có thế mạnh về giao nhận, tiếp xúc khách hàng. Chúng tôi đã khai trương được 4/25 điểm Bách hóa Bưu điện trong kế hoạch đến tháng 8/2021. Phát huy lợi thế thương mại điện tử Post Mart còn là nơi kết nối giữa người bán với người mua thông qua sàn giao dịch điện tử PostMart.vn. Trước yêu cầu “Ai ở đâu ở yên đó” phòng chống dịch bệnh, khách hàng chỉ cần ở nhà, ở tại khu cách ly cũng dễ dàng mua hàng qua sàn thương mại điện tử PostMart.vn. Hướng tới Bưu điện Bình Dương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các hiệp hội làng nghề để đưa sản phẩm của địa  phương lên sàn thương mại điện tử PostMart.vn."
Cuộc sống luôn đối mặt với những khó khăn, bất ngờ như dịch bệnh phải giãn cách, cách ly, ai ở đâu ở yên đó... Nhưng nhu cầu ăn uống, mua sắm của con người không thể dừng lại. Không phải chỉ người giàu, doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện “chuyển đổi số” nhằm duy trì hoạt động liên tục. Còn người nghèo, người mua bán nhỏ nếu biết vận dụng phương tiện, điều kiện sẵn có cũng dễ dàng “chuyển đổi số”, tìm kiếm cơ hội tốt trong khó khăn, để bữa cơm ấm áp gia đình mỗi ngày luôn đủ rau, đủ cá.