Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giãn dân khỏi trung tâm để chống kẹt xe

Dương Văn - P206 nhà A, tập thể Hồ Quỳnh, ngõ 88 Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào những dịp lễ, Tết, Hà Nội thật bình yên, đường thông hè thoáng đến không ngờ. Căn nguyên là bởi hầu hết người dân ngoại tỉnh đã rời Thủ đô về đoàn tụ với gia đình.

Từ đó, một trong những lời giải cho bài toán chống ùn tắc giao thông là giãn bớt dân cư ra khỏi khu trung tâm.
Trăm phương đổ về Hà Nội

Hãy cứ nhìn vào nhà để xe bạt ngàn ở các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ Sản, Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi T.Ư… sẽ thấy khoảng 80% xe biển ngoại tỉnh. Người bệnh trừ khi cấp cứu hoặc ở quá xa phải đi xe khách, xe chuyên dụng còn lại đều sử dụng phương tiện cá nhân ra Hà Nội khám chữa bệnh. Hầu hết người bệnh, người nhà bệnh nhân ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… đều cho biết, ít tin tưởng các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh nên bằng mọi giá phải ra Hà Nội. Điều này góp phần không nhỏ vào nạn ùn tắc giao thông Thủ đô.

Ùn tắc giao thông trên phố Giảng Võ vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có đến hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên từ khắp nơi đổ về. Thực tế là các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề… ở các quận nội thành không những chẳng giảm mà còn có xu hướng tăng. Trường công lập duy trì ổn định, các trường dân lập, tư thục, bán công hay thậm chí trường quốc tế cũng liên tiếp ra đời. Một quy luật dễ hiểu: Có trường học, ắt có học viên. Với điều kiện kinh tế dư dả hơn, nhiều gia đình đã không còn quá khó khăn khi mua cho con em xe máy, xe đạp điện để đi học. Thậm chí, nhiều sinh viên khó khăn nhưng vẫn “lười” sử dụng xe buýt, cố vay mượn để sắm phương tiện cá nhân cho bằng bạn, bằng bè.

Đáng chú ý hơn, sự gia tăng dân số cơ học ở Hà Nội còn nằm ở trào lưu di cư tự phát từ nông thôn ra thành thị. Khi nông nhàn, người nông dân, người lao động ở quê kéo ra Hà Nội tìm việc làm. Tất nhiên có người, có nghề, sẽ phải có xe cộ đi lại. Cảnh ùn tắc giao thông vì thế mà ngày càng trầm kha.

Hạ tầng đô thị vệ tinh đi trước

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, việc xây dựng trong nội đô nhiều con đường chất chồng lên nhau thành bốn, năm tầng bê tông uốn lượn quanh co có vẻ hoành tráng như ở Bắc Kinh hay Quảng Châu (Trung Quốc) chưa hẳn là giải pháp tích cực. Cách tốt nhất là làm thế nào để người dân có một cuộc sống ổn định mà không cần vào nội thành. Với xu hướng tăng dân số cơ học và xu hướng nén đô thị như hiện nay không bao giờ giải quyết được ùn tắc. Xây dựng các đô thị vệ tinh bền vững quanh Hà Nội được xem như giải pháp ưu việt hơn cả. Đây là bài học từ Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines). Trung tâm mới này phải thật sự hiện đại mang tầm quốc tế và sẽ chuyển một số cơ quan hành chính Nhà nước, các DN, trường học, bệnh viện có nhiều lao động ra đó.

Giãn dân ra các đô thị vệ tinh không nên hiểu là tiếp tục phát triển dàn trải bằng các khu dân cư thấp tầng ra ngoại vi Hà Nội. Việc đưa người dân ra ngoài mà không có công việc và dịch vụ đi kèm chỉ làm tăng nhu cầu giao thông và tăng nguy cơ ùn tắc. Giãn dân nên hiểu là một quá trình “vun” dân vào những nơi có điều kiện giao thông đối nội và đối ngoại tốt nhất. Đây chính là định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo quy hoạch chung của Hà Nội. Mỗi một trung tâm là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội và được nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng khối lớn và các trục đường chính đô thị. Theo đó, đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước. Giao thông thuận tiện sẽ kéo người dân giãn ra nơi đây.