Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gian nan buổi ban đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi được Bộ VHTT đồng ý và cấp Giấy phép hoạt động báo chí số 2484/1998/GPXB-BC ngày 22/10/1998 cho báo Kinh tế & Đô thị, ngày 3/11/1998, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đã ký Quyết số 60/1998/QĐ-UB thành lập báo Kinh tế & Đô thị và Quyết định số 4492/QĐ-UB bổ nhiệm ông Công Nghĩa Hoàn làm Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị.

Để hoàn thiện bộ máy của tờ báo, sau khi ra số thử ngày 1/12/1998, Tổng Biên tập Công Nghĩa Hoàn đã ký Thông báo số 01/TB-KTĐT ngày 12/12/1998, công bố danh sách chính thức cán bộ, phóng viên, nhân viên tham gia xuất bản số báo đầu tiên. Trong đó, đã mời nhà báo Nguyễn Viết Sơn, phụ trách báo Chủ nhật; Nhà báo Đinh Trọng Quyền phụ trách lĩnh vực thông tin kinh tế; Nhà báo Trần Quỳnh phụ trách biên tập tin, bài lĩnh vực đô thị; Nhà báo Triệu Chinh Hiểu phụ trách công tác bạn đọc; Nhà báo Nguyễn Văn làm Thư ký Tòa soạn; bà Tạ Tuyết Mai phụ trách Hành chính trị sự; ông Nguyễn Cảnh Phái phụ trách công tác tổ chức. Những người còn lại làm phóng viên hoặc cho thử việc các công việc của báo.
Cán bộ, phóng viên, họa sĩ  những ngày đầu ra báo làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Cán bộ, phóng viên, họa sĩ những ngày đầu ra báo làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Ngày 28/12/1998, trong buổi đến thăm và làm việc với báo trước ngày phát hành số báo đầu tiên, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng nêu rõ: Sự ra đời của báo Kinh tế & Đô thị không phải là ngẫu nhiên mà là hiện thực hóa ý tưởng của lãnh đạo TP từ nhiều năm. Lãnh đạo TP đã bàn đi bàn lại nhiều lần nhằm sắp xếp lại đội ngũ báo chí Thủ đô để số lượng đầu báo không tăng nhưng chất lượng phải được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cái khó nhất của báo Kinh tế & Đô thị là phải làm rõ bản sắc của tờ báo, không trộn lẫn với bất cứ tờ báo nào. Mang tên Kinh tế & Đô thị, tờ báo phải đi sâu làm rõ bản sắc chủ yếu đề cập đến những vấn đề kinh tế, quản lý đô thị ở Thủ đô và cả nước, quốc tế. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, báo cần đề cập tới những chính sách, nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền TP về kinh tế nhưng không chỉ đơn thuần phản ánh mà cần phân tích, dựa vào những căn cứ từ thực tiễn để thuyết phục bạn đọc. Báo cũng cần có những bài phóng sự, điều tra sâu sắc, những thống kê về kinh tế, những bài tổng hợp, đánh giá hoạt động kinh tế, những thông tin ngắn gọn, cập nhật về kinh tế Thủ đô và cả nước.

Về phần đô thị, ngoài quy hoạch tổng thể của Hà Nội, báo cần thông tin các quy hoạch chi tiết, các nút giao thông, các cửa ô, công tác xây dựng phát triển nhà ở, cấp thoát nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường…

Trước đó, giao nhiệm vụ cho Báo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nêu rõ: Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhất của tờ báo vẫn là việc tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết và mọi thông tin liên quan đến công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng Hà Nội. Tờ báo cũng phải là diễn đàn của các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và mọi công dân trên địa bàn, là nơi bày tỏ những đóng góp tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Tờ báo phải làm tốt vai trò là cầu nối giữa UBND TP với mọi tầng lớp nhân dân, là nơi phản ánh được những tâm tư nguyện vọng của công dân, góp phần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa thanh lịch của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ban trù bị thành lập báo được UBND TP bố trí làm việc tạm tại một căn phòng trên tầng 3, gần với Ban thi đua - khen thưởng TP, sau đó chuyển xuống tầng 2, phía bên trái, trong trụ sở UBND TP (số 12, Lê Lai, Hoàn Kiếm).

Sau khi Chủ tịch UBND TP có quyết định thành lập Báo, bộ máy của báo cũng được bổ sung và bắt đầu vào cuộc để chuẩn bị cho số báo đầu tiên. Để có được măngséc, tổ họa sĩ của báo gồm các anh Phạm Hoài Thanh, Nguyễn Lê Huy, Hồ Ngọc Dũng cùng với một số họa sĩ khác đã dành khá nhiều thời gian để thực hiện ý tưởng của lãnh đạo TP và Tổng Biên tập giao, trong đó phải thể hiện được đặc trưng riêng của báo Kinh tế & Đô thị trong "rừng" báo chí của Thủ đô và cả nước.

Trong những ngày chuẩn bị ra số báo đầu tiên, nhân sự của báo tiếp tục được bổ sung vào bộ máy các thành viên là các nhà báo có kinh nghiệm đã nghỉ hưu được giao phụ trách các mảng, khối của báo, kèm cặp hướng dẫn, sữa chữa tin, bài cho đội ngũ phóng viên mới vào nghề. Đây là một cách làm hay trong điều kiện báo mới ra đời. Với sự chuẩn bị quyết liệt của toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên, chỉ chưa đầy 2 tháng, kể từ khi có Quyết định thành lập, số báo Kinh tế & Đô thị đầu tiên đã được xuất bản đúng ngày 1/1/1999.

Thật khó tả niềm vui của cán bộ, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong đêm tề tựu tại Nhà in Tiến bộ để chờ xuất bản số báo đầu tiên. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lưu Minh Trị cũng có mặt tại Nhà in Tiến Bộ lúc 4 giờ sáng để chứng kiến số báo đầu tiên "ra lò" và động viên toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Kinh tế & Đô thị. Việc số báo đầu tiên ra mắt đúng ngày đầu năm mới 1999 là sự cố gắng vượt qua khó khăn, không ngừng sáng tạo của báo Kinh tế & Đô thị trong những ngày đầu. Đây là sự kiện quan trọng tạo nền tảng cho báo Kinh tế & Đô thị phát triển sau này.

(Còn nữa)