Kinhtedothi - Đưa một chính sách mới từ văn bản vào cuộc sống luôn là thách thức nhưng thực thi thừa phát lại (TPL) trên thực tế còn khó hơn rất nhiều. Đây vừa là chế định mới, lại phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi quyền của người dân.
Để dân "biết"
Ở các thành phố lớn, việc đưa khái niệm TPL vào cuộc sống vốn đã rất khó khăn thì ở những vùng mà dân trí phát triển chưa đều như Quảng Ninh, công việc tuyên truyền về TPL gian nan hơn nhiều. Ngay khi mới thành lập, các Văn phòng TPL Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả đã dốc toàn lực cho công tác tuyên truyền. Bằng rất nhiều hội thảo chuyên sâu cho cán bộ các cấp ủy đảng, công chức tư pháp, hành pháp và hội thảo phổ biến cho người dân ở thôn xóm, tổ dân phố, cán bộ và nhân dân ở Quảng Ninh đã bước đầu tiệm cận chế định TPL. Ngoài ra, các Văn phòng này còn chăm chút từ đồng phục ngành, đến biển hiệu Văn phòng, xây dựng wesite, tăng cường thông tin trên phương tin thông tin đại chúng.
Văn phòng Thừa phát lại tại Quảng Ninh.
|
Ông Mạc Văn Quang (nguyên Phó GĐ Sở Tư pháp Quảng Ninh), chuyên gia Tổ tư vấn về TPL QN cho biết: Ngoài việc áp dụng các hình thức tuyên truyền, chúng tôi quyết định trang bị đồng phục ngành theo đúng quy định của Bộ Tư pháp để người dân thấy rõ, chúng tôi cũng là một lực lượng làm công việc về pháp luật như chấp hành viên, kiểm sát viên, thanh tra viên... Qua đó, người dân cũng thấy TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm, có đồng phục ngành nên cũng đáng tin cậy. Nhìn thấy bộ trang phục này, người dân có thể biết ngay đó là lực lượng TPL, cũng là một cách tuyên truyền hiệu quả".
Ngoài ra, muốn dân "biết" thì trước hết cán bộ phải "hiểu". Kinh nghiệm từ tất cả các địa phương đang thực hiện thí điểm mô hình TPL thì trước hết là tuyên truyền tại các cấp ủy đảng, rồi đến các cơ quan chuyên môn trong ngành pháp luật, sau đó mới đến người dân. Lãnh đạo địa phương nào mà hiểu rõ về TPL thì hoạt động TPL ở địa phương đó sẽ sôi động, hiệu quả như TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh...
Đường nào "nối" với cơ quan Nhà nước?
Trong bốn nhiệm vụ mà TPL được phép làm như tống đạt, vi bằng, xác minh và trực tiếp THADS đều liên quan mật thiết đến cơ quan quản lý Nhà nước, Tư pháp, TAND, THADS… Là chế định mới nên có không ít nghi ngờ về khả năng thực hiện và độ tin cậy của TPL từ công chức của các cơ quan này. Kết quả khảo sát một số thẩm phán, thư ký của TAND TP Hà Nội thì có đến 62,5% ý kiến cho rằng, không cần thiết giao tống đạt cho TPL. Thậm chí, TAND TP Hà Nội còn ban hành Công văn số 2193, ngày 03/11/2014 yêu cầu TAND các quận, huyện, thị xã không giao những văn bản trước khi xét xử cho TPL tống đạt do lo ngại phạm nhân tiếp xúc trực tiếp với TPL. Nhưng trên thực tế, TPL chỉ lập danh sách can phạm và kèm theo văn bản của Tòa án cho cán bộ quản lý can phạm ký nhận để chuyển cho can phạm mà thôi. Trong khi TPL đang giúp giảm biên chế cho TAND, THADS và chứng minh sự minh bạch của cán bộ TAND khi không trực tiếp tiếp xúc với đương sự trong quá trình tống đạt...
Việc TPL “vấp” với các cơ quan Nhà nước khác cũng không ít. Kỷ niệm "nhớ đời" của Trưởng Văn phòng TPL Hải Phòng Bùi Đình Chiến là lần trực tiếp đi tống đạt văn bản đối với một phạm nhân đang thụ án trong trại giam mà gia đình thì đã chuyển khỏi nơi cư trú. Sau vài ba lần tìm đến công an khu vực để xin xác nhận nhưng không được hợp tác, ông tìm đến nhà Tổ trưởng dân phố để xin xác nhận. Khi ông đến, bà Tổ trưởng dân phố tình cờ mở cổng ra ngoài, do không để ý nên con chó nhà bà lao thẳng ra cổng và cắn ông. Sau đó, văn bản tống đạt không thành, vì bà Tổ trưởng dân phố cũng không xác nhận mà ông còn mất hơn 200 nghìn đồng đi tiêm phòng chó dại và mệt mất cả tuần...
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cho biết thêm, khi thực hiện việc xác minh điều kiện THADS, Văn phòng cũng gặp khó khăn khi Công an phường Tây Tựu, UBND phường Đông Ngạc… đã từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL.
Khó như làm "thí điểm"
Ông Trần Ngọc Toàn, Trưởng Văn phòng TPL Cẩm Phả cho biết: Địa hạt của chúng tôi khá hiểm trở, trải dài cả trăm km, thuộc vùng núi và hải đảo. Tuyên truyền đã khó, đi làm còn khó hơn. Thư ký nghiệp vụ chuyên tống đạt ở các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu sau vài tháng đã “tan một con xe máy”, chỉ vì địa chỉ văn bản tống đạt chỉ ghi họ tên, thôn xóm, không có tên tuổi, bố mẹ nên buộc phải đi khắp thôn để tìm từng nhà trong điều kiện địa hình hiểm trở. Hay đi tống đạt ở các đảo Quan Lạn, Cô Tô gặp bão không về nổi, chi phí lên đến cả triệu đồng mà phí tống đạt chỉ được trả từ 65.000 - 130.000 đ/văn bản...
Còn đối với đội ngũ TPL của Văn phòng TPL Hai Bà Trưng thì việc bị chửi mắng, dọa nạt, từ chối gặp gỡ, hắt nước vào mặt là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi vì người dân quyết "không biết TPL là ai" và ngại khi đọc các văn bản của TAND, THADS về tù tội, tiền bạc... Và mặc dù địa hình nội thành Hà Nội khá thuận lợi nhưng nhiều khi cũng phải mất 2 - 3 tiếng mới tìm được địa chỉ cần tống đạt vì đường phố, số nhà thay đổi. Rồi tâm lý người dân không tin TPL vì “không phải là người Nhà nước” hoặc việc lập vi bằng nhiều khi cũng bị coi là “lấn sân” công chứng. Thậm chí mới đây, lãnh đạo một Văn phòng đăng ký đất đai còn kết luận: Vi bằng không có giá trị pháp luật… Điều đó càng khiến việc thực hiện “thí điểm” khó càng chồng khó.