Dân số của huyện có hơn 285.000 người, trong đó có trên 24.000 người dân tộc Mường, Dao và một số dân tộc thiểu số khác.
Với những đặc thù như vậy, việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện.
Ông Phùng Hữu Lộc - Trưởng phòng Tư pháp, UBND huyện Ba Vì cho biết, trong 3 năm thực hiện Luật PBGDPL, huyện đã xây dựng và ban hành các kế hoạch, đề án nhằm tuyên truyền, PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội, Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật Đất đai, ATGT… Huyện đã tổ chức 30 hội nghị PBGDPL trực tiếp với 6.450 người tham gia và phối hợp với Đoàn thanh niên tại các xã miền núi tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, phổ biến lưu động. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Hộ tịch… cho các xã miền núi. Thông qua hội nghị, người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận thức rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống cũng như cộng đồng dân cư.
Có thể khẳng định, từ khi Luật PBGDPL ra đời và 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg, huyện Ba Vì đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng văn bản cần tuyên truyền nhiều, địa bàn rộng, trong khi đội ngũ làm công tác PBGDPL kiêm nhiệm bị ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng tuyên truyền, phổ biến. Kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến của cán bộ làm công tác này không đồng đều.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL và các chương trình, đề án PBGDPL ở một số xã chưa triệt để. Cơ chế phối hợp, lồng ghép các nguồn lực, hoạt động, GDPL để tránh trùng lặp chưa được chú trọng đúng mức; nguồn lực bảo đảm cho công tác chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Một số xã triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL còn mang tính hình thức, nội dung còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều, một số còn hạn chế về kỹ năng, trình độ. Trình độ dân trí tại các xã miền núi còn thấp, người dân nông thôn trình độ am hiểu pháp luật còn hạn chế. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL đã tăng nhiều so với những năm trước đây, tuy nhiên cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là tại địa bàn 7 xã miền núi. Chế độ, chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thấp, chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của đội ngũ này. Các xã miền núi có địa bàn rộng, địa hình đồi núi, dân cư ở phân tán, khó khăn trong việc đi lại cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, loa truyền thanh không tới được với bà con. Việc khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở, số người dân tham gia đọc sách, tìm hiểu kiến thức pháp luật trên địa bàn dân cư đạt tỷ lệ thấp.
Với những khó khăn gặp phải trong công tác PBGDPL, UBND huyện Ba Vì cũng đề xuất tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, nhất là kiến thức thực tiễn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, giúp cho việc giảng dạy, tuyên truyền của đội ngũ này thêm sinh động, cuốn hút người nghe để làm tốt hơn nữa công tác PBGDPL trên địa bàn.