Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục thể chất trong trường học: Chưa quan tâm đầu tư đúng mức

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn nhiều bất cập: Cơ sở vật chất nghèo nàn, hình thức tập luyện đơn điệu… Từ những khó khăn này dẫn tới đa số học sinh (HS) không hứng thú với môn thể dục, thậm chí còn coi đây là môn phụ.

Thiếu thốn đủ bề

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình GDTC chính khóa; 75% số trường có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa, thu hút khoảng 70% trong tổng số gần 15 triệu HS phổ thông tham gia. Tuy nhiên, công tác GDTC, việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong trường học chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động luyện tập tại trường yếu, thiếu.

Giờ giáo dục thể chất của học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Phạm Hùng

Theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế về diện tích sân chơi, sân tập phải dành từ 40% - 50% so với tổng diện tích của nhà trường, trên thực tế, tỷ lệ trường phổ thông có nhà GDTC hoặc thi đấu thể thao mới chỉ đạt khoảng 7%, tỷ lệ trường có sân tập là 15%, số có bể bơi chiếm chưa đầy 1%. Về cơ bản, các trường công lập của Hà Nội đều có sân chơi, bãi tập dành cho HS, song xét về mọi khía cạnh thì môn GDTC chưa tạo được sức hấp dẫn, bởi không phải nhà trường nào cũng có đầy đủ cơ sở vật chất, có bể bơi, sân bóng đá, bóng rổ…

Thầy Hoàng Văn Cần - giáo viên (GV) thể dục trường THCS Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, vấn đề quan trọng để GDTC trong nhà trường phát triển đó là sân tập và phương tiện hỗ trợ học tập, nhưng hầu hết các trường học lại thiếu điều kiện này. Ngoài thiếu thốn cơ sở vật chất, việc GDTC cho HS trong các nhà trường cũng chưa thực sự được quan tâm. Nhiều HS, thậm chí cả GV không tâm huyết nên đã coi môn GDTC là môn phụ. Đồng quan điểm này, cô Hồng Luyến - GV trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa) cho rằng, môn GDTC là vô cùng quan trọng. Bởi khi có sức khỏe, tinh thần sảng khoái thì HS mới có hứng thú học các môn học khác và mang lại kết quả học tập cao. GDTC nằm trong môi trường giáo dục toàn diện, nghĩa là GDTC và giáo dục các môn văn hóa khác phải đồng đều.

Thay đổi cách đánh giá

Trước những bất cập của bộ môn GDTC trong nhà trường, các chuyên gia cho rằng, công tác soạn thảo, xây dựng chương trình môn học GDTC chưa cân đối, nhiều nội dung mang nặng tính kỹ thuật, chưa phù hợp với HS. Hoạt động thể thao trong trường còn đơn điệu, cơ sở vật chất nghèo nàn.

Theo thầy Cần, quan trọng là GV phải tâm huyết, có tâm huyết mới chuyển tải, phân tích sự quan trọng của GDTC cho HS: “Chúng ta thường nói giáo dục toàn diện, trong đó không chỉ giáo dục tri thức, mà phải toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mỹ. Làm sao phải để HS hiểu và thấy được thể dục cũng là bộ môn khoa học, quan trọng không kém tri thức, đạt điểm cao phải khổ luyện..., có tri thức phải có cả thể lực”. Thầy Cần cũng cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên cần xây dựng chương trình, nội dung học; rà soát, kiện toàn đội ngũ GV; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đặc biệt là cần thay đổi cách đánh giá HS trong môn này. “Trước đây, GDTC có thời gian cho điểm, nay GV chỉ đánh giá đạt, chưa đạt, nên HS không quan tâm” - thầy Cần phân tích.

Nhằm giải quyết những bất cập về GDTC cho HS hiện nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, HS sẽ được tự chọn nội dung thể dục, thể thao yêu thích từ lớp 1. Thời lượng môn thể dục là 2 tiết/tuần, chia thành 2 buổi, không gộp tiết để tránh gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của HS. Việc tổ chức giờ học/hoạt động GDTC cũng có điều chỉnh phù hợp với mức độ đáp ứng của HS về thể lực, trên cơ sở phân nhóm HS có sức khỏe tốt, nhóm có sức khỏe trung bình, nhóm yếu. “Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đây là nền tảng để công tác GDTC phát triển tương xứng với vị trí, yêu cầu của hoạt động này trong công tác giáo dục” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.