Sức ép lên các tuyến đường giao thông trọng điểm ở Thủ đô Hà Nội, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ TP tăng cao đột biến. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình giao thông vẫn tương đối ổn định, không xảy ra ùn tắc kéo dài.
Trên tuyến QL1A hướng từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa... về Hà Nội bắt đầu đông đúc từ khoảng 17 giờ. Đây vốn là tuyến đường chính nối liền Hà Nội với các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau kỳ nghỉ lễ, người dân bắt đầu di chuyển theo QL1A lên Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, vào chiều muộn 15/4, tuyến QL1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) giao thông ổn định, không có ùn tắc xảy ra. Thậm chí, tại Trạm BOT Nam Cầu Giẽ vốn luôn bị lo ngại xảy ra ùn tắc, giao thông cũng ổn định, thông thoáng. Tình trạng ùn ứ chỉ cục bộ tại một số nút giao nhưng không kéo dài.
Duy nhất tại đoạn qua Quán Gánh (thuộc địa phận huyện Thường Tín, TP Hà Nội) xảy ra ùn tắc tương đối nghiêm trọng. Đoạn ùn tắc kéo dài tới gần 1km suốt từ đầu Quán Gánh đến gần khu vực cầu Quán Gánh. Với mong muốn sớm thoát khỏi đám đông ùn ứ, nhiều phương tiện trèo lên cả vỉa hè, thậm chí là đi ngược chiều khiến tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng.
Được biết, đoạn QL1A qua Quán Gánh lâu nay luôn được đánh giá là “điểm đen” ùn tắc giao thông, đặc biệt vào những kỳ nghỉ lễ, Tết khi lượng phương tiện dồn về quá nhiều. Nguyên nhân một phần do quá tải nhưng phần khác là cách bố trí giao thông nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến hành lang giao thông bị thu hẹp.
Tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội, bắt đầu từ khu vực cổng Bến xe Nước Ngầm xảy ra một số điểm ùn ứ cục bộ nhưng nhìn chung không xảy ra ùn tắc, các phương tiện có thể di chuyển với tốc độ chậm. Tuyến đường Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Xuyển - Nguyễn Trãi - Trần Phú, giao thông cũng khá thông thoáng.
Ùn ứ cục bộ vẫn xảy ra ở các nút giao như Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Dậu (trên đường Nguyễn Xiển) hay nút giao Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, đây vốn là những điểm ùn ứ được dự báo từ trước do lượng phương tiện đổ về quá lớn.
Tại khu vực cổng các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát chiều muộn 15/4, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận thấy tình trạng taxi, xe ôm, xe hợp đồng trá hình “làm loạn” vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến giao thông hỗn loạn. Điển hình nhất tại khu vực cổng bến xe Nước Ngầm có hàng chục taxi và một đội ngũ xe ôm grab vây ráp khiến giao thông ở đây thật sự hỗn loạn.
Thậm chí tại điểm dừng xe buýt cách cổng bến xe chừng hơn 100m, 3 chiếc taxi ngang nhiên đỗ giữa đường nối thành hàng dài và chặn cả đường di chuyển của những phương tiện khác. Dẫn đầu là chiếc taxi mang BKS: 30A-823.04, kế đến là một chiếc taxi không đeo mào mang BKS: 30F-006.05 và cuối cùng là chiếc taxi mang BKS: 30S-9708.
Thậm chí, chiếc xe mang BKS: 30F- 006.05 còn ngang nhiên bắt khách giữa đường bất chấp sự bức xúc của nhiều người đi đường. Chính vì những chiếc taxi này “làm loạn” ở ngay điểm dừng xe buýt khiến cho xe buýt phải trả khách cách điểm dừng một đoạn khá xa.
Tinh trạng taxi xe ôm náo loạn cổng bến xe, bắt khách dọc đường trong những dịp nghỉ lễ, Tết đã được phản ánh rất nhiều nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Trên thực tế, vào những ngày cao điểm nghỉ lễ, Tết, dù sức ép lên giao thông ở các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô rất lớn nhưng giao thông vẫn luôn được đảm bảo, rất hiếm khi ùn tắc kéo dài xảy ra. Nếu xử lý triệt để được tình trạng taxi, xe ôm làm loạn trên đường, chắc chắn giao thông Hà Nội sẽ còn thông thoáng hơn nữa.