Khách hàng tham khảo một số sản phẩm công nghệ 4.0 của Tập đoàn FPT. Ảnh: Phạm Hùng |
Mong giao việc lớnÔng Trương Gia Bình thẳng thắn đề xuất Chính phủ giao việc nhiều hơn cho DN tư nhân. "Đơn cử như dự án đường sắt Bắc Nam, hay là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân, tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm. Đây là những nỗ lực mà khối DN tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ" - ông Trương Gia Bình khẳng định.Đồng thời cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân được quốc tế ấn tượng tốt thông qua các chỉ số đánh giá thời gian qua. Đặc biệt, về môi trường kinh doanh, logistics, đổi mới sáng tạo... đều tăng 25 bậc trong năm qua. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thực tế vẫn còn tình trạng "trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh". Do đó, ban IV trong thời gian tới tiếp tục đánh giá tiêu chí tuân thủ các thủ tục hành chính. Năm 2018, Ban IV đã tổ chức 5 hội thảo lớn, hàng trăm cuộc gặp gỡ và thu được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích trong cộng đồng kinh tế tư nhân. Theo ông Trương Gia Bình, 30% kiến nghị được xử lý, 50% ý kiến được chỉ đạo và chuẩn bị triển khai và hơn 10% kiến nghị chưa được triển khai rõ nét.Song, vượt qua khó khăn, thế hệ doanh nhân Việt Nam đang có những nền tảng quý để khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà đã vươn ra toàn cầu. Khi khởi nghiệp năm 1988, cùng giai đoạn khu vực kinh tế Việt Nam chính thức đổi mới, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình được coi là một trong những đại diện đầu tiên thành công tại khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. “FPT khởi nghiệp trước Luật DN nhưng đội ngũ ấy có sự tăng trưởng đột phá. Tại nhiều nước có sự tăng trưởng 5 - 6% thì họ phấn khởi, còn ở Việt Nam, DN tăng vài chục % vẫn chưa hài lòng. Nhiều DN muốn tăng trưởng đạt tốc độ 100%, thậm chí 200%” – ông Bình dẫn dụ.Vượt vũ mônChia sẻ về vị thế của kinh tế tư nhân sau 30 năm đổi mới, doanh nhân này kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có những thế hệ "cá chép vượt vũ môn", vươn đến tầm toàn cầu dù kinh tế tư nhân Việt Nam mới bước đầu hội nhập. Theo ông Bình, điều quan trọng nhất là hệ thống chính trị Việt Nam đã có những thay đổi lớn khi nhìn nhận về DN tư nhân. “Những năm vừa qua, Chính phủ đưa ra những chính sách minh bạch, hành động, kiến tạo vì dân, vì DN. Quan điểm này rất rõ ràng, nếu DN cứ kêu chung chung thì không biết giúp như thế nào. Nhưng nếu có những đề xuất giải quyết cụ thể, Chính phủ ủng hộ rất nhanh” – doanh nhân này nhấn mạnh. Trên cơ sở những nhiệm vụ trước mắt và trong trung hạn, trong năm 2018, Ban IV đã xây dựng, thúc đẩy để vận hành hiệu quả các kênh đối thoại chính sách công - tư và các thảo luận bàn tròn về chiến lược kinh tế vĩ mô cho Việt Nam, cũng như thu hút hiệu quả nguồn lực từ tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế. Với cách tiếp cận đi từ thực tiễn, lựa chọn nội dung và vấn đề thảo luận là các bài toán lớn của nền kinh tế quốc gia, kinh tế ngành hoặc các khó khăn, vướng mắc phản ánh từ DN đã thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của cả hai khu vực công – tư. Nhiều thông điệp giá trị đã được chia sẻ, lan tỏa, tạo động lực cho các bên triển khai các hoạt động nối tiếp nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các cam kết hợp tác sau mỗi Diễn đàn.Để thực sự đạt mục tiêu “tăng tốc – bứt phá” cho nền kinh tế trong năm 2019 như tinh thần Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ đã nêu, ông Trương Gia Bình cho rằng, vẫn cần sự quyết liệt, thực chất trong hành động với những cách tiếp cận đột phá hơn nữa; đặc biệt là cần động lực chung, khí thế chung và tinh thần hợp tác công - tư chặt chẽ trước các nhiệm vụ, bài toán và mục tiêu lớn của cả quốc gia. Về phía Ban IV cũng như cộng đồng DN tư nhân cam kết tiếp tục nỗ lực đưa ra các sáng kiến, giải pháp, huy động hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước để đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ các bài toán lớn của nền kinh tế.