Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo viên mầm non tư thục xoay đủ cách để kiếm sống thời dịch Covid-19

Nguyễn Bùi Tam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều cô giáo mầm non tư thục đã phải “rẽ ngang” với đủ kiểu ngành, nghề mới như: Đi dọn nhà cho các công ty vệ sinh, đi buôn bán hoa quả, về quê để khai thác đặc sản địa phương...

Với việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến cơ quan chức năng liên tiếp “gia hạn” các đợt nghỉ học để phòng, chống dịch, rất nhiều cô giáo mầm non tư thục đã phải “rẽ ngang” với đủ kiểu ngành, nghề mới.
Nhiều giáo viên mầm non tư thục phải ''xoay'' rất nhiều nghề để trang trải. Ảnh: Bảo Trọng
Cô Lê Ngân (quê Hòa Bình, giáo viên mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, từ ngày các nhà trường tạm đóng cửa để giữ an toàn cho học sinh, các giáo viên phải xoay sở kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau.
Theo cô Ngân, có người đi dọn nhà cho các công ty vệ sinh, có người đi buôn bán hoa quả, có người thì chọn hướng về quê để khai thác đặc sản địa phương. Riêng cô Ngân, đã nhanh chóng “hô biến” tài khoản facebook để bán khẩu trang cho các khách hàng chủ yếu là phụ huynh, học sinh.
Cô Phương Chi (quê Thanh Hóa, giáo viên mầm non tư thục ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, ở Thanh Hóa có nhiều nguồn hải sản ngon, do vậy, đợt học sinh nghỉ học, cô Chi về quê nhập các nguồn hàng này để kiếm thêm.
“Tôi cũng lo, do chưa quen kinh doanh, không rõ phải làm như nào để mua rẻ, bán đắt. Nhưng thôi, đói thì đầu gối phải bò thôi, vừa làm vừa học” - cô Chi chia sẻ. Lo sợ sẽ “thiệt đơn thiệt kép” khi bước vào kinh doanh, cô Chi đã chọn phương án bán hàng theo đơn đặt, tức thông báo về quê, ai lấy mặt hàng gì thì gọi báo mặt hàng đó cho rồi “ship” cho khách.
Cũng chọn phương án làm thêm “dịp dịch”, cô Nguyễn Thu Nguyệt (quê Tuyên Quang, giáo viên mầm non tư thục ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, do nghỉ dài ngày, đồng lương hạn hẹp, cô Nguyệt đã về Tuyên Quang để làm thêm nghề nhặt nấm rơm.
“Trên quê, nhiều người chuyển hướng kinh doanh nấm rơm được vài năm nay. Hầu hết đều kinh doanh nhỏ, lẻ nên xin vào làm thêm rất khó. Tôi phải nhờ người quen mãi mới được nhận làm cách nhật, tháng chỉ được thêm chừng 2 triệu đồng” - cô Nguyệt nói.
Rời miền quê với cây chè nổi tiếng để về Hà Nội làm giáo viên mầm non, cô Ngô Thị Nhung (ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, giáo viên mầm non tư thục ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, từ ngày học sinh nghỉ dài, ban lãnh đạo nhà trường đã gặp gỡ từng giáo viên để nói chuyện về khó khăn chung.
“Chúng tôi ai cũng hiểu và thông cảm cho lãnh đạo nhà trường nên không ai gây khó dễ gì, sẵn sàng đi làm thêm trong giai đoạn này. Tôi ở quê vùng chè nên đã về đi hái chè thuê, mỗi tháng cũng thêm được nhỉnh 2 triệu đồng” - cô Nhung cho biết.
Cũng là những chia sẻ khi đi làm thêm, cô Trần Thị Thúy (quê Thái Bình, giáo viên mầm non tư thục ở quận Long Biên) cho hay, việc làm thêm đã trở thành phổ biến với các giáo viên mầm non lúc này. Mọi người đều lập các nhóm, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau và không ai thấy phải xấu hổ.
“Chúng tôi có người đi phát tờ rơi, người khác lại đi lau dọn vệ sinh tại các công sở, tư gia, người mở quán trà đá, hay buôn bán hoa quả. Không ai thấy ái ngại cả, miễn có thu nhập chính đáng để trang trải lúc khó khăn. Chúng tôi vẫn động viên nhau hằng ngày để cùng nhau vượt qua giai đoạn này” - cô Thúy nói thêm.
Chia sẻ về những vất vả của cô giáo mầm non tư thục dịp dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Mơ - Hiệu trưởng nhóm mầm non Hương Mơ, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, ở nhóm có 7 cô giáo, do đang giai đoạn khó khăn chung, phía nhà trường hỗ trợ đóng bảo hiểm cho các cô giáo, phía các cô thì phần đa đi mò cua, bắt ốc kiếm thêm. Nhưng theo cô Mơ, cua, ốc giờ cũng dần cạn kiệt, mỗi ngày các cô chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, có ngày không được đồng nào.
“Ai cũng hiểu đây là khó khăn chung, chúng tôi chỉ mong sớm hết dịch để giáo viên trở lại, học sinh trở lại. Ở các miền quê, giáo viên mầm non hầu như không làm thêm được gì nên rất vất vả” - cô Mơ trao đổi.