Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo viên tiểu học nhiều địa phương than khó trăm bề khi dạy trực tuyến

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học nhận được nhiều phản ứng tích cực. Tuy vậy, với nhiều vùng điều kiện kinh tế khó khăn, các giáo viên đang phải đối mặt với vô vàn trở ngại.

Cô giáo Nguyễn Thị Linh, giáo viên trường tiểu học ở TP Thái Nguyên chia sẻ: “Lớp mình 21 học sinh, dạy trực tuyến được 3 buổi rồi mà hôm nào cũng chỉ được 15 - 17 bạn. Mạng được một lúc lại quay tít, bật ra”.
Dạy học trên truyền hình là giải pháp mang tính phổ cập rộng rãi. Tuy vậy, tính tương tác của mô hình này được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Ảnh: Bảo Trọng
Cũng là những nhận định khó mở các lớp trực tuyến với cấp tiểu học, cô giáo Ngô Mai Sen, trường Tiểu học Thanh Hà, tỉnh Quảng Ngãi phân tích, học sinh THPT thì được, còn các học sinh cấp tiểu học không khả thi. Thứ nhất, về điều kiện mạng internet chưa đáp ứng được chất lượng đường truyền. Thứ hai, đặc điểm tâm lý học sinh tiểu học là không tập trung, khó làm chủ, kiểm soát hành vi suốt tiết học.
“Các con chỉ học được khi có phụ huynh đồng hành trong suốt quá trình học và thay luôn giáo viên làm nhiệm vụ khen ngợi, động viên kịp thời trong quá trình học và sửa, uốn nắn luôn các tật con hay mắc hằng ngày” - cô Sen nói thêm.
Lo lắng về việc đảm bảo sĩ số lớp, cô giáo Nguyễn An Minh ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nhận định, ở những TP lớn hay các địa phương có điều kiện phát triển, các gia đình hay nhà trường được trang bị thiết bị, công nghệ tốt thì việc học sẽ rất hiệu quả. Còn ở các vùng nông thôn, điều kiện còn nhiều khó khăn thì sẽ rất vất vả để đảm bảo đủ sĩ số lớp thường xuyên. “Lớp tôi sĩ số 50 học sinh, nhưng cố gắng lắm mới có 29 phụ huynh có mạng internet” - cô Minh dẫn chứng.
Đồng quan điểm việc khó áp dụng rộng rãi việc dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học, thầy Hoàng Tuấn, giáo viên tiểu học ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ở địa phương có các xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, con cháu ở với ông bà, bố mẹ đi làm ăn xa. Nhiều gia đình khó khăn đến mức quần áo, giày dép không trang bị nổi cho con, do vậy, nghĩ đến mua máy tính xách tay, tivi hay điện thoại thông minh là điều rất xa vời.
Cũng là câu chuyện “gặp vấn đề” khi tiếp cận công nghệ, cô giáo Hoàng Kiều Phương ở tỉnh Cà Mau cung cấp: “Lớp tôi có sĩ số 38 học sinh, trong đó có 31 trường hợp sử dụng mạng xã hội Zalo. Tuy nhiên, giáo viên giao bài tập về nhà làm, chờ mãi không thấy hồi âm mới gọi điện thì các em mới nói không biết cách vào mạng”.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội cho biết, việc khó khăn khi dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học “ai cũng nhìn thấy”, do vậy, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp khác nhau.
Theo ông Oanh, với những trường hợp gia đình có điều kiện (nhà có mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh), sẽ tổ chức dạy học trực tuyến như thông thường. Đối với những gia đình khó khăn, các giáo viên sẽ sao chụp bài tập rồi thông qua hệ thống bưu điện, văn hóa xã để gửi tới từng gia đình. Sau đó, cuối tuần giáo viên đến nhà nhận lại kết quả ôn tập để đánh giá.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, trong tình hình dịch bệnh, việc tổ chức dạy học trực tuyến hay trên truyền hình là cần thiết, thể hiện tính chủ động trong đào tạo và giải quyết tình thế (dịch bệnh).
Tuỳ vào điều kiện cụ thể, các địa phương sẽ áp dụng phương án khác nhau để đạt được kết quả chung. Về phía Bộ GD&ĐT, sẽ tiếp tục cắt giảm, điều chỉnh nội dung cũng như hướng dẫn các mô hình đào tạo để học sinh kịp chương trình, đảm bảo chuẩn chất lượng.