Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giật mình sống ảo đe doạ sống thật

Chia sẻ Zalo

Việc người trẻ sống ảo trên mạng không còn là mối hoạ tiềm ẩn mà đã chạm tới tính mạng con người.

Tự thiêu vì Like - “đỉnh cao” của lối sống ảo

Chúng ta vẫn thường dùng thuật ngữ “sống ảo” khi đề cập tới một bộ phận người sử dụng Internet, mạng xã hội hiện nay. Vậy như thế nào là sống ảo?

Có thể lí giải sống ảo dùng để chỉ tính chất, phong cách sống của một ai đó trên mạng xã hội (Internet) mà không đúng với hoàn cảnh ngoài đời của họ. Đáng tiếc rằng đại bộ phận những người sa vào lối sống xa rời thực tế này lại là những người trẻ tuổi - niềm hi vọng và là tương lai của chúng ta.

Khi người trẻ xây dựng ảo tưởng trên mạng xã hội, họ để cho thế giới ảo ấy cắn nuốt tâm trí, làm ảnh hưởng tới đời sống của cá nhân và xã hội, thậm chí nguy ngại tới tính mạng con người.

 Hình ảnh thanh niên tự thiêu ở chân cầu Tân Hóa, TP. HCM sau khi đăng status: "Đủ 40k like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem."

Một số vụ việc điển hình cho thấy lối sống ảo của người trẻ hiện nay có thể kể đến như: vụ thanh niên tẩm xăng tự thiêu vì lời thách thức câu Like trên mạng xã hội; hay vụ nữ sinh Hà Nội giả chết để để thu hút sự chú ý trên Facebook; vụ chàng trai trẻ giả danh phi công nhà giàu đi lừa tình các cô gái...

Trong số những người trẻ sống ảo kể trên, chàng trai “cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu" được xem là người “chỉ cần sống ảo, không cần sống thật”. Thanh niên này thực sự đã tẩm xăng đốt chính mình rồi nhảy cầu Tân Hóa (TP.HCM) vào ngày 20/9 trong con mắt bàng hoàng của hàng trăm người chứng kiến.

Trước khi màn tự thiêu này xảy ra, ít ai có thể tin rằng có một người đang sống khoẻ mạnh lại châm lửa tự thiêu vì vài “cú bấm Like” trên mạng xã hội. Chính vì vậy, cho đến khi nó thật sự xảy ra, dư luận xã hội vẫn không thể tìm được lời giải thích. Trong khi đó, bản thân đương sự cho rằng hành động của anh ta là... chí khí nam nhi, thể hiện “Việt Nam nói là làm”.

Sống ảo đe doạ sống thật

Những tưởng rằng câu chuyện tự thiêu “điên rồ” này rồi sẽ nhanh chóng bị chìm xuống như bao chuyện lùm xùm khác xảy ra hàng ngày trên mạng xã hội. Thế nhưng bất ngờ thay, một bộ phận dân mạng lại hưởng ứng tới mức phát động trào lưu mới có tên “Nói là làm”.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, “Nói là làm” trở thành một slogan thịnh hành nhất trên mạng xã hội. Dân mạng đua nhau tung ra những lời thách thức ngày càng quái gở và nguy hiểm hơn trước. Từ chỗ thách đủ số lượng Like sẽ quay clip hát tặng bạn bè, tới chỗ tặng thẻ nạp điện thoại, rồi tới Like để uống 69 lít mật ong... Thậm chí, một số bạn trẻ còn tuyên bố tung ảnh/clip nhạy cảm, đòi lao xuống cống, giết chết vật nuôi... nếu có đủ vài chục ngàn người bấm Like ủng hộ.

Đó vẫn chưa phải là điểm dừng. Những lời thách thức câu Like trên thế giới ảo còn có xu hướng đối chọi lẫn nhau để tranh giành giật sự nổi bật. Khi cô A nói rằng “đủ 10.000 Like sẽ tung ảnh nóng” thì cô bạn B lập tức kêu gọi “20.000 để chia sẻ ảnh khoả thân”. Đây là mồi lửa nhen nhóm nên các cuộc xung đột từ mạng ảo cho tới ngoài đời thực. Do vậy mới xuất hiện những cuộc hẹn “so găng” trực tiếp để phân định ai mới là “hot like” trên Facebook.

Hiện nay, nút Like đã trở thành lí do bạn trẻ loại trừ lẫn nhau, đạp lên trên cả đạo đức và tính mạng. Đây là lúc mà lối sống ảo của bạn trẻ đã vượt qua sự lo ngại của nhiều người. Nói cách khác, cuộc sống trên mạng và những thắng lợi hư ảo mà nó mang lại đang đe doạ trực tiếp tới cuộc sống thật của các bạn trẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Lan Hải nói rằng: “Người trẻ lao vào mạng xã hội để khẳng định bản thân”.

Cô nói: “Một thực tế hiện nay là rất nhiều bạn trẻ ăn, ngủ, mọi niềm vui nỗi buồn, lý tưởng sống… tất cả đều phụ thuộc vào mạng. Những tiêu cực khi “cắt đứt” với thế giới thực diễn ra nhiều chúng ta có thể thấy hàng ngày và tưởng rằng do mạng xã hội nhưng thật ra là do sự cô độc, thiếu tình yêu thương, chia sẻ của giới trẻ.

Các em cô đơn, không được sự quan tâm đúng mức từ gia đình, xã hội, thế giới thực không có chỗ cho mình thì trẻ sẽ càng “lao” vào thế giới ảo để khẳng định bản thân.

Điều bố mẹ cần làm là không cấm và cũng không thể cấm trẻ tham gia mạng xã hội nhưng làm sao để trẻ tham gia một cách lành mạnh. Không có điều gì khác ngoài sự chia sẻ, quan tâm, thấu hiểu tâm lý con trẻ để bố mẹ chính là “bộ lọc” cho con trong tiếp nhận và xử lý thông tin”.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) cho rằng đối với việc giới trẻ “nghiện” mạng xã hội:“Để trẻ không nghiện mạng xã hội trong thời đại này quả là một thách thức. Bất cứ môi trường nào, theo tôi, hai yếu tố cần nhất của mỗi người là đạo đức và kỹ năng ứng xử. Có đạo đức các em sẽ phân biệt được đúng sai, không để đám đông lôi cuốn vào những việc tiêu cực. Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng ứng xử trong từng tình huống sẽ giúp các em vượt qua các sự cố một cách tốt nhất”