Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giật mình với chênh lệch giá vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong lúc giá vàng thế giới giảm mạnh thì vàng trong nước lại giảm nhỏ giọt, kéo giãn chênh lệch giữa giá vàng "nội" và vàng "ngoại" lên mức kỷ lục trên 5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch quá cao này đã khiến thị trường giao dịch ảm đạm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người mua.

Rủi ro trao tay người mua

Ngày 24/12, giá vàng trong nước giảm nhẹ so với cuối tuần qua. Tại Hà Nội, giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 46,47 - 46,67 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng tại thị trường châu Á xuống mức khoảng 1.652 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá 20.870 đồng/USD, hiện giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới khoảng 4,7 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng trong nước có thời điểm "cán mốc" kỷ lục khi cao hơn vàng thế giới trên 5 triệu đồng/lượng. So với quốc tế, sự điều chỉnh giảm của các doanh nghiệp trong nước luôn luôn chậm hơn, còn tăng lại nhanh hơn. Sự bất cân xứng này đã kéo chênh lệch giá vàng "nội" và "ngoại" lên mức cao chưa từng thấy.

Giật mình với chênh lệch giá vàng - Ảnh 1

Giá vàng trong nước chênh lệch nhiều so với giá thế giới khiến thị trường giao dịch ảm đạm. Ảnh: Tú Oanh

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng cho rằng, mua và nắm giữ vàng là nhu cầu có thật của người dân. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… èo uột hiện nay, nhiều người sẽ tìm đến phương tiện đầu tư và cất trữ là vàng.

Do nhu cầu tất yếu nên người mua sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi giá vàng SJC đứng cao chót vót. Trong khi đó, đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ quan điểm, không cần bình ổn, không cần nhập khẩu và giá vàng không cần thiết phải liên thông. Cái lý của NHNN là nếu để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới có nghĩa là tiếp tục tạo môi trường hợp pháp cho thị trường đầu cơ.

Về lý thuyết, khi giá vàng chênh cao, người dân sẽ được khuyên không nên mua vào. Tuy nhiên, thực tế, người mua vàng lại căn cứ nhiều vào giá trong nước tại các thời điểm. Thấy mức giá hiện nay thấp hơn nhiều so với mức 48 - 49 triệu đồng/lượng trước đây là mua mà không tính toán hơn thiệt khi so sánh với giá thế giới.

Hơn nữa, nhiều người có tiền nhàn rỗi, mua vàng tích trữ được coi như một cách tiết kiệm. Bởi vậy, phương án khuyên người mua vàng làm "người thông thái" có vẻ không nhiều khả thi.

Mập mờ độc quyền Nhà nước và doanh nghiệp

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng tuyên bố, nếu chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trên 400.000 đồng/lượng là có đầu cơ. Đến nay, con số chênh lệch này đã lên gấp 12 lần. Và câu hỏi được đặt ra, vì sao chênh lệch giá vàng ngày càng cao và ai đang làm giá thị trường vàng?

Nhiều ý kiến cho rằng, chênh lệch giá vàng quá cao là hậu quả của chính sách độc quyền vàng SJC. "Chủ trương NHNN độc quyền sản xuất, gia công vàng miếng là đúng. Nhưng trong khi chờ đợi sự ra đời của thương hiệu vàng miếng quốc gia, dường như đang có sự mập mờ giữa độc quyền Nhà nước và độc quyền DN"- một chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá cả trên thị trường hàng hóa phụ thuộc vào cung cầu thị trường, trong đó người có hàng là người quyết định giá. Khi các "ông lớn" phát giá, những doanh nghiệp nhỏ căn cứ vào đó để tham chiếu. Bây giờ, giá vàng đã quy về một mối, tất nhiên nơi cung cấp nguồn sẽ là nơi quyết định giá.

Chính vì giá "ăn theo" chính sách, nên việc đẩy giá lên cao của SJC như bong bóng, không phản ánh giá trị thực. Chỉ cần chủ trương, chính sách có sự thay đổi, dù rất nhỏ, thì với một thị trường nhạy cảm như vàng, bong bóng sẽ nhanh chóng xì hơi, trả về giá trị thực. Lúc đó, người có vàng sẽ chịu thiệt thòi.

Bởi vậy, điều cần thiết hiện nay là NHNN cần có biện pháp kéo gần chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Sở hữu vàng là nhu cầu có thật nên không có chuyện chênh lệch giá cao, người dân sẽ hạn chế mua. Bằng chứng là tuần qua, dù giao dịch ảm đạm nhưng lượng mua vào vẫn cao hơn số vàng bán ra.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24/12, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết: Độc quyền vàng miếng SJC không gây thiệt hại cho dân. Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và các quy định của NHNN cũng không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC. Nhưng thực tiễn có rất nhiều người dân đang nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác muốn chuyển sang thương hiệu SJC. NHNN đã có hướng dẫn và đã cho phép SJC được nhận các thương hiệu vàng miếng này và gia công lại trở thành thương hiệu SJC, phí gia công mỗi lượng vàng là 50.000 đồng.