Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gìn giữ tiếng thơm cốm Mễ Trì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, đúng dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -...

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, đúng dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015),“Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì năm 2015” (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) lớn nhất từ trước tới nay đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu và gìn giữ một làng nghề đặc sản của Hà Nội - cốm Mễ Trì.

“Hạt ngọc” của đất trời

Thu này về Mễ Trì, tiếng giã cốm rộn rã mọi ngõ xóm. Mỗi phiên chợ cốm vào sớm tinh mơ luôn tấp nập người mua bán. Để rồi những hạt cốm Mễ Trì dẻo thơm theo chân kẻ bán đến với người tiêu dùng khắp nơi trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Chung (năm nay 87 tuổi) - một trong những thợ làm cốm lâu năm nhất của làng bộc bạch, Mễ Trì xưa được biết đến với gạo tám thơm. Bên cạnh nghề làm bún còn có nghề làm cốm nổi tiếng không kém. Cốm được làm bằng nhiều loại lúa nếp khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là nếp cái hoa vàng.
Người dân tham quan, mua sắm tại các gian hàng trong “Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì năm 2015”.  	Ảnh: Trọng Tùng
Người dân tham quan, mua sắm tại các gian hàng trong “Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì năm 2015”. Ảnh: Trọng Tùng
Để có được một mẻ cốm ngon, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế. Quá trình làm cốm bắt đầu bằng việc đi thu hoạch hay thu mua lúa non, ngồi nhặt rồi tuốt bằng tay. Sau đó, những hạt lúa được cho vào thùng to đãi, bao nhiêu hạt chắc mẩy thì vớt ra để ráo nước, nhóm lò củi cho vào chảo rang, khi giòn vỏ thì đổ ra nia cho nguội. Bếp lò để rang cốm đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc để hạt cốm khi rang không bị cháy, vẫn mềm dẻo và thơm. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục cho nóng đều. Thóc rang xong, phải đợi cho nguội, rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay, khi thấy có trấu thì xúc ra sẩy bỏ trấu rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non, già của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 7 - 8 lần giã là hoàn tất. Để làm được 10kg cốm, một thợ lành nghề cũng phải mất cả ngày cật lực.   

Những hạt cốm đến tay người dùng được gói tỉ mỉ bằng lá sen, rồi buộc lại bằng những cọng rơm còn xanh trông rất đẹp mắt. Theo những người thợ làm cốm lâu năm ở phường Mễ Trì, sở dĩ dùng lá sen để gói cốm bởi loại lá này tượng trưng cho sự thanh khiết, nhẹ nhàng, phù hợp để “nâng niu” những “hạt ngọc” của đất trời. Mùi thơm của lá sen hòa quyện với vị thơm ngọt của cốm tạo nên hương vị đặc biệt hơn cho sản vật này.

Không để tinh hoa mai một

Có giai đoạn, nghề làm cốm ở Mễ Trì thu hút hầu hết lao động của làng. Đến nay, sau bao thăng trầm, nghề làm cốm ở đây đã có nhiều đổi thay. Nếu như trước đây, người dân chỉ làm cốm vào mùa Thu (tức vụ Mùa) thì nay, người dân còn làm cốm vụ Chiêm rất khéo. Thay vì làm cốm hoàn toàn thủ công, thì nay các hộ trong làng cũng đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu làm cốm, giúp tiết giảm công sức, chi phí sản xuất, nhưng không làm mất đi hương vị đặc trưng của cốm Mễ Trì. Tuy vậy, nghề làm cốm Mễ Trì cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Ông Đào Tăng Quýnh - Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết, hiện trên địa bàn phường chỉ còn khoảng 25% số hộ tham gia sản xuất cốm và các sản phẩm từ cốm. Con số này cũng đang có xu hướng giảm. Quá trình đô thị hóa khiến nhiều người dân không còn mặn mà với nghề làm cốm. Để gìn giữ làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời này, thời gian qua, chính quyền các cấp quận Nam Từ Liêm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cốm như hỗ trợ các hộ vốn vay đầu tư sản xuất, tạo điều kiện để những hộ sản xuất cốm tham gia các hội chợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm… Đặc biệt, cuối tuần qua, “Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì năm 2015” được tổ chức lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hàng ngàn người dân và du khách. Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ bày tỏ, thông qua hoạt động này sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội nói chung, phường Mễ Trì nói riêng. Ông Tứ cũng cho biết, trong thời gian tới, chính quyền và Nhân dân địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm về cốm, mở rộng thị trường cung ứng, chú trọng khâu đảm bảo ATVSTP, từng bước khẳng định và gìn giữ “tiếng thơm cốm Mễ Trì”. Để cốm Mễ Trì có thể vươn xa hơn nữa, quận Nam Từ Liêm cũng đề nghị các cấp, ban, ngành TP quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ địa phương quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển làng nghề cốm truyền thống trên địa bàn quận.