Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong ngày 31/3, phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2020, khi nhà đầu tư khép lại một giai đoạn biến động thị trường lịch sử gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Sàn Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên giao dịch buổi sáng khi lực cầu bắt đáy của nhà đầu tư vẫn được duy trì và thông tin chỉ số PMI của Trung Quốc tích cực. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi nhanh chóng trong phiên chiều khi nhà đầu tư đẩy mạnh bán thảo trước nỗi lo bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến các chỉ số chính quay đầu đi xuống.
Bất chấp thông tin PMI tích cực của Trung Quốc và đề xuất thêm gói cứu trợ 2.000 tỷ USD của Tổng thống Trump, giới đầu tư phố Wall vẫn đẩy mạnh bán ra trong phiên này, khiến phố Wall quay đầu đảo chiều.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 410,32 điểm (tương đương 1,8%) xuống 21.917.16 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,6% xuống 2.584,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ gần 1% còn 7.700,10 điểm. Chỉ số Dow Jones đã tăng tới 152 điểm ở đầu phiên.
Tính chung quý I, cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận quý đầu năm có kết quả kinh doanh tồi tệ nhất từ trước đến nay, lần lượt lao dốc 23,2% và 20%. Dow Jones cũng chứng kiến quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, còn S&P 500 có quý giảm mạnh nhất từ năm 2008.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh trong tháng qua. Trong đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt sụt 13,7% và 12,5% trong tháng 3, chứng kiến tháng giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008. S&P 500 và Dow Jones cũng biến động ít nhất 1% trong 21/22 phiên giao dịch trong tháng này.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall sụt mạnh chủ yếu do diễn biến đại dịch Covid-19 tại Mỹ phức tạp, đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vào bế tắc.
Chứng khoán Mỹ chịu áp lực lao dốc trong phiên giao dịch này trong bối cảnh nhà đầu tư gia tăng lo ngại trước những thông tin mới liên quan đến đại dịch Covid-19. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại bang này tăng 14% chỉ trong vòng 24 giời lên hơn 75.000 người.
Goldman Sachs dự báo nền kinh tế sẽ trải qua đà lao dốc chưa từng thấy trong quý II/2020, nhưng sự phục hồi sau đó sẽ là nhanh nhất trong lịch sử. Hội đồng Hội nghị ngày 31/3 cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng rớt còn 120 điểm trong tháng này, giảm mạnh từ mức 132,6 điểm trong tháng 2.
Giới phân tích trên Phố Wall thậm chí đang kêu gọi bán tháo nhiều hơn trước khi thị trường có thể chạm đáy.
Nhà đầu tư cổ phiếu tiếp tục đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 ngày càng tồi tệ ở Mỹ, khi số ca nhiễm mới tăng lên 177.000 người, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 31/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo về hai tuần "vô cùng đau đớn", kêu gọi mọi người Mỹ sẵn sàng cho những ngày khó khăn phía trước. "Đây không phải bệnh cúm. Căn bệnh này rất tàn ác", ông đề cập đến Covid-19.
Theo mô phỏng của Nhà Trắng, Mỹ có thể phải đón nhận từ 100.000 đến 240.000 ca tử vong ở thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan đã giáng đòn vào các hoạt động kinh tế. Giới phân tích đã giảm kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2020, trong khi các nhà đầu tư dự báo kết quả quý I của nhiều doanh nghiệp sẽ ảm đạm.
Những biện pháp kích thích chưa từng có, với các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD, đã giúp thị trường chứng khoán phục hồi vào tuần trước, nhưng không đủ giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin trong các phiên đầu tuần này.
"Nhà đầu tư không sẵn sàng đặt cược, dù là bất kỳ hướng nào. Tuần tới, chúng tôi sẽ có đánh giá chi tiết hơn khi các báo cáo sớm về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được công bố", Terry Sandven - chiến lược gia trưởng của ngân hàng Wealth Management cho biết.