Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ đà tăng trưởng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết liệt với tinh thần đổi mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại để năm nay đạt được kết quả tốt nhất, đặc biệt không đứt gãy để nền kinh tế Việt Nam đi xuống, giữ được trạng thái bình thường tạo đà cho nhiệm kỳ tới.

Đó là tinh thần được các ĐB Quốc hội đề cập đến khi thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế - xã hội chiều 8/6, trong một thời điểm rất đặc biệt khi đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Đặc biệt hơn nữa, Quốc hội cũng vừa thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), đánh dấu một bước quan trọng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, dù mục tiêu tăng trưởng không cao nhưng vẫn tạo ra tín hiệu rất tích cực, cho thấy nỗ lực vượt khó của toàn xã hội. Đúng như các ĐB đã phân tích, điều quan trọng bây giờ là các giải pháp để DN phục hồi, trong đó, cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp, gói hỗ trợ từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đến bảo đảm an sinh xã hội giúp DN giữ được chân người lao động. Nhiều DN bước đầu đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để phục hồi; một số ngành nghề đã vươn lên trở thành bệ đỡ thúc đẩy xã hội vượt qua khó khăn. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 26.000 DN tạm ngừng hoạt động, con số này tăng nhưng số DN làm thủ tục giải thể giảm, tức là DN vẫn chờ cơ hội để phục hội phát triển, là tín hiệu tốt.
“Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua giảm 30% thuế thu nhập cho DN vừa và nhỏ, nhưng điều mà họ cần nhất bây giờ là tồn tại. DN phải tiếp cận được vốn, mà tài sản thế chấp hiện đang là điểm vướng lớn. Các ngân hàng bây giờ đang rất thận trọng cho DN vay. Do đó, cần có tổ chức, nhất là các quỹ tín dụng đứng ra bảo lãnh tín dụng cho DN. Muốn thế, Nhà nước phải hỗ trợ quỹ tín dụng làm việc này”- như một ĐB đã phân tích. Do đó, vấn đề đặt ra là cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ DN cả về chính sách thuế, phí… và cả những chính sách hỗ trợ ở mức cao hơn nữa. Đồng thời với đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng…
Để giữ và tạo được đà sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng cũng cần những điểm nhấn, vực dậy được những đầu tàu. Do đó, thay vì dàn trải, nên chăng nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch cũng như chuẩn bị “đất” để thu hút đầu tư FDI, đón làn sóng dịch chuyển mới.
Cùng với đó, khi việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng sẽ gắn với mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, điều chỉnh các giải pháp, các ưu tiên cũng như là nguồn lực cho phù hợp. Hơn thế nữa, khi các giải pháp đều đã đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao cũng là nội dung được lưu ý. Với những quyết tâm và cả những quyết sách lớn sẽ được phân tích, chỉ rõ và thông qua tại nghị trường Quốc hội, hy vọng những mục tiêu đặt ra cho năm 2020 sẽ đạt được ở mức cao nhất có thể.