Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ giá trần, bỏ giá sàn vé máy bay để khuyến khích cạnh tranh

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Giá trần và giá sàn vé máy bay được đưa ra nhằm bảo vệ sự ổn định của thị trường hàng không, qua đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Câu chuyện giữ hay bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay là một trong những chủ đề đang làm nóng nghị trường tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Tránh nguy cơ phá giá vé

Từ khi hàng không phục hồi sau dịch Covid-19, ngoài chuyện hành khách tăng chóng mặt trong các kỳ nghỉ lễ, Tết thì vấn đề giá vé máy bay lên xuống thất thường trong thời gian qua, tác động không nhỏ tới các lĩnh vực khác trong đó có du lịch. Thực trạng này đang là điều được dư luận cả nước hết sức quan tâm.

Mới đây nhất, ngày 23/5, khi thảo luận về Luật Giá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu cho rằng việc giữ giá trần và bỏ giá sàn vé máy bay là cần thiết. Bởi bỏ giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng 
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng 

Cụ thể, trong cuộc họp này, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết. Trên thực tế, việc quy định giá sàn nhằm tạo ra một hàng rào bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường vé máy bay. Sự xuất hiện của giá sàn bảo đảm tránh được nguy cơ “phá giá”, hạ giá vé quá thấp của các DN hàng không nhằm hút khách về phía mình.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để “khai tử” cho “sợi dây bảo hiểm” mang tên giá sàn vé máy bay. Bởi, bỏ quy định về giá sàn sẽ tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, khi thị trường vé máy bay không còn chịu sự rằng buộc của giá sàn, các DN hàng không sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm được nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh giữa các DN khi việc hạ giá vé vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.

Nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh thu ngân sách Nhà nước, bỏ giá sàn vé máy bay cũng mang lại cho ngân sách khi điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội tham gia vận chuyển bằng đường hàng không cho người dân, góp phần phát triển thị trường hàng không nội địa, tăng số người sử dụng hàng không.

Trong khi đó, đối với quan điểm giữ giá trần vé máy bay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hơn nữa, khi bỏ giá sàn, nếu tiếp tục bỏ giá trần vé máy bay nữa thì điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bỏ hoàn toàn công cụ điều tiết thị trường và để cho DN cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ.

Điều này có nghĩa là, khi không còn giá sàn, giá trần, các hãng hàng không sẽ là đơn vị đưa ra giá dịch vụ, điều khiển sự lên – xuống, tăng – giảm của giá dịch vụ theo ý mình. Nếu các hãng đẩy giá vé máy bay lên cao, đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, tiếp đó là ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, sản xuất, thậm chí là tác động đến xã hội.

Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết

Câu chuyện giữ hay bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay là một trong những chủ đề được nói đi nói lại rất nhiều lần trong những năm qua. Mọi chuyện bắt đầu từ chính các hãng hàng không khi không ít lần đưa ra kiến nghị bỏ giá trần và giá sàn. Mới đây nhất, trong tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội DN hàng không Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 2/2023 vừa qua, lãnh đạo các hãng hàng không một lần nữa nhấn mạnh đến việc phải bỏ hai “sợi dây bảo hiểm” này.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng. “Tôi cho rằng nên bỏ quy định giá trần với những đường bay đã có từ 3 hãng khai thác trở lên. Nhà nước chỉ quản lý những đường bay đang độc quyền khai thác" – ông Nguyễn Mạnh Quân nói.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành khẳng định, cần phải sớm thực hiện việc bỏ giá trần vé máy bay để các hãng hàng không được gỡ khó, tồn tại tới hết năm 2024. “Cần có quyết sách sớm để các hãng sống, tồn tại được tới lúc thị trường hồi phục hoàn toàn" – ông Trịnh Ngọc Thành nói.

Nhiều lần được đưa ra bàn luận là vậy nhưng đến nay việc giữ hay bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay vẫn chưa ngã ngũ. Ngay cả trong giới chuyên gia cũng có nhiều quan điểm khác nhau. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho rằng, đã đến lúc bỏ cả giá trần và giá sàn vé máy bay vì quy định này gây nhiều bất lợi.

“Hiện nay nước ta đang có nhiều hãng bay cùng kinh doanh, đây là điều kiện để tạo ra thị trường cạnh tranh tốt. Đã đến lúc Nhà nước nên bỏ cả giá trần và giá sàn vé máy bay” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói và khẳng định, việc bỏ giá trần, giá sàn sẽ thúc đẩy hãng bay phải nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách, đây chính là nòng cốt tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế lại cho rằng cần thiết phải giữ lại giá trần vì thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số DN giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Một chuyên gia hàng không khác là TS Lương Hoài Nam lại nhấn mạnh đến việc cần thiết phải bỏ giá trần vé máy bay. Việc khống chế giá trần thực ra làm giá vé rẻ ít đi và khiến tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại" – TS Lương Hoài Nam nói. Theo chuyên gia này, trên thế giới hiện nay không có nước nào quản lý vé máy bay bằng giá trần. Ngay ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia cũng thực hiện cạnh tranh tự do hoàn toàn, thị trường quyết định.

Giá trần sẽ tước đi cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không trong các giai đoạn cao điểm. Như vậy, vô hình trung sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Cuộc tranh cãi về việc giữ hay bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay nhiều khả năng sẽ giảm đi một nửa “sức nóng” với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng nhiều chuyên gia nêu quan điểm ủng hộ bỏ giá sàn. Tuy nhiên, đối với giá trần, “sứ mệnh lịch sử” của nó có lẽ sẽ còn được tiếp tục trong thời gian tới bởi hiện vẫn đang nhận được nhiều sự đồng thuận.

Mới nhất, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chính phủ cho rằng cần thiết giữ quy định giá trần vé máy bay nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Theo Chính phủ, nếu tiếp tục bỏ cả giá trần vé máy bay thì sẽ không còn công cụ để điều tiết giá với vé máy bay.

Đây là vấn đề thay đổi lớn, thay đổi một chính sách quan trọng, so với việc bỏ giá sàn đã được đánh giá rất kỹ nên chưa có cơ sở để bỏ quy định này.

 

Khi Nhà nước định giá trần là đã tính toán hết các khả năng, dựa trên chi phí hợp lý của DN. Trường hợp nếu quy định giá trần thấp hơn giá thị trường, các hãng bay có quyền khiếu nại trên cơ sở tính toán sao cho bảo đảm chi phí và có lãi.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long