NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần thứ 11 liên tiếp trong hơn hai tuần qua, thêm 10 đồng/USD và đưa tỷ giá bình quân lên mức 20.748 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại theo đó cũng nâng tỷ giá USD bán ra lên mức kịch trần 20.955 đồng/USD và giữ giá mua vào thấp hơn 5 đồng/USD, ở mức 20.950 đồng/USD. Theo nhận định của NHNN, thị trường ngoại hối trong tuần qua diễn biến chưa thực sự ổn định. Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do ảnh hưởng tâm lý trên thị trường vàng đã tác động đến thị trường ngoại hối.
- Thưa ông, gần đây, tình trạng 2 tỷ giá lại tái diễn, doanh nghiệp phải mua USD tại ngân hàng với giá cao hơn giá niêm yết. Điều này ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước?
Tình trạng 2 tỷ giá đã diễn ra trong quá khứ và gây ra biến động trong thị trường tài chính. Bây giờ, hiện tượng này đang có cơ hội trở lại, mặc dù độ chênh lệch giữa 2 tỷ giá không nhiều. Nếu đến một lúc độ giãn ngày càng xa và tiếp tục dãn là điều không có lợi cho nền kinh tế. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành công trong vấn đề đưa 2 thị trường trở lại gần với nhau, có lúc thị trường tự do dưới thị trường niêm yết. Việc các ngân hàng cũng tham gia vào thị trường tự do ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD. Tôi cho rằng, các ngân hàng nên xem xét lại và có kỷ luật cho mình. Nếu một vài ngân hàng "xé rào", các ngân hàng khác muốn làm ăn theo luật cũng khó có thể ngồi yên được vì sợ mất khách hàng và sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Việc ngân hàng bán USD cao hơn giá niêm yết cũng gây bất ổn lớn đến tỷ giá.
- Phải chăng các ngân hàng hiện nay đang thiếu thanh khoản ngoại tệ?
Tôi cho rằng thanh khoản ngoại tệ hiện nay đang khá căng thẳng, điều này không những ở ngân hàng nhỏ mà ngay cả ngân hàng lớn. Nó thể hiện ở chỉ số cho vay/tiền gửi ngoại tệ. Trước đây, Thông tư 13 và 19 quy định tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng nguồn vốn huy động không vượt quá 80%. Hiện nay quy định này đã bãi bỏ nhưng dù sao, tỷ lệ 80% là tỷ lệ an toàn và hợp thông lệ quốc tế. Nhiều ngân hàng thời điểm này, dư nợ cho vay/tổng nguồn vốn vượt qua 100%. Nguyên nhân là vì mức cầu nhiều hơn mức cung, như chúng ta biết, càng về những tháng cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ càng tăng lên. Thứ nhất, có thể dễ dàng thấy từ biến động trên thị trường vàng, một lượng ngoại tệ lớn phải dùng để nhập khẩu vàng đáp ứng nhu cầu trong nước. Thứ hai, vào thời điểm cuối năm, một số doanh nghiệp đã vay ngoại tệ từ trước nay đến lúc phải trả. Thời điểm cuối năm cũng là lúc nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao để phục vụ sản xuất cho dịp Tết, những yếu tố làm tăng áp lực về tỷ giá cho USD/VND.
- Trước tình hình ngoại tệ biến động trong những ngày qua, có thể NHNN sẽ cùng NHTM bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Ông có cho rằng biện pháp này sẽ giúp tỷ giá ổn định?
Biện pháp này là điều tất yếu. Trong lúc này, các NHTM phải hợp tác với NHNN để bình ổn tỷ giá. Tuy nhiên, bình ổn thế nào? hợp tác thế nào? không phải là vấn đề dễ dàng. Các NHTM có nhu cầu riêng của họ, họ phải đáp ứng yêu cầu khách hàng của họ. Trong quá khứ, có nhiều lần ngân hàng mua USD từ thị trường tự do để đáp ứng nhu cầu khách hàng của mình. Nếu làm vậy, các NHTM đang trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào thị trường tự do. Và nếu thị trường tự do biến động mạnh, vượt xa thị trường niêm yết, sẽ gây bất ổn lớn.
- Để giúp tỷ giá ổn định, với cá nhân ông, đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài?
Để chống lạm phát, chúng ta đã có những gói giải pháp của Chính phủ thể hiện ở Nghị quyết 11 và các gói giải pháp khác về chính sách tài khóa... đó là những biện pháp dài lâu. Còn trước mắt, NHNN phải có dự trữ ngoại hối tốt để can thiệp sâu vào thị trường. Bên cạnh đó, cần có những chế tài và biện pháp cũng như sự hợp tác của NHTM để ổn định thị trường thị trường ngoại tệ đặc biệt là trên thị trường tự do.
- Xin cảm ơn ông!
Vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ có thể bị phạt đến 500 triệu đồng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, mức phạt cao nhất với hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng sẽ tăng hơn bảy lần, từ 70 triệu đồng lên đến 500 triệu đồng. Cụ thể, với hành vi niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng, mức phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng. Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng, kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định bị phạt từ 50 - 100 triệu đồng. Trước đây các hành vi này chưa bị xử phạt. Trường hợp hoạt động ngoại hối, xuất nhập khẩu ngoại tệ, vàng trái phép sẽ bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng, trong khi theo quy định cũ chỉ bị phạt từ 45 - 70 triệu đồng. |