Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ vị thế “lá cờ đầu”

Lâm Nguyễn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020” tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật.

 Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ
Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ xung quanh những giải pháp để Hà Nội giữ vững được vị thế là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng NTM.
Thành tựu xây dựng NTM mà Hà Nội đạt được trong những năm qua là hết sức ấn tượng. Theo ông, điều gì đã mang lại thành công đó?

- Tôi đánh giá có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, TP đã quan tâm, đầu tư ngân sách có trọng tâm, trọng điểm cho xây dựng NTM. Tính riêng trong năm 2018, TP đã bố trí trên 3.380 tỷ đồng và huy động các quận hỗ trợ các huyện trên 187 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 02. Thứ hai, trình độ lý luận và thực tiễn của cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ TP đến cơ sở được nâng lên rõ rệt, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình. Thứ ba là nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã thay đổi. Nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua việc tự nguyện đóng góp nguồn lực lớn cho phong trào xây dựng NTM. Tính riêng năm 2018, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó, đóng góp của người dân là trên 541 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác xây dựng NTM còn những hạn chế, tồn tại gì cần khắc phục, thưa ông?

- Đó là tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và lập quy hoạch chi tiết của các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng còn chậm. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn chưa đồng đều giữa các địa phương và còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của Nhân dân, đặc biệt là ở vùng xa trung tâm. Cùng với đó, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao như tại Ba Vì (3,1%), Mỹ Đức 2,8%…
 Nông dân Hà Nội đóng gói hoa ly.
Theo ông, rào cản đối với công cuộc xây dựng NTM trong năm 2019 của TP Hà Nội là gì?

- Cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với thực tiễn. Tác động của giá cả, các yếu tố thị trường, thiên tai dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng thủy lợi còn chưa tương xứng, gặp nhiều khó khăn do bị chia cắt… Thu hút đầu tư từ các DN cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên đơn vị canh tác thấp, gây khó khăn cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… Đây là những bài toán mà ngành NN&PTNT Hà Nội cần tiếp tục quan tâm, tìm lời giải.

Năm 2019, Hà Nội phấn đấu có thêm 30 xã và từ 8 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu này, TP sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

- Trong năm 2019, TP sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ thực hiện; tăng cường phân cấp thực hiện cho huyện, xã và kiểm tra tại cơ sở. Huy động đa dạng các nguồn lực xây dựng NTM, nhất là từ đấu giá quyền sử dụng đất, hỗ trợ của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư và từ các quận. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Xin cảm ơn ông!

Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã có 4 huyện và 323/386 xã (chiếm gần 84% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Có 3 xã của huyện Đan Phượng đủ điều kiện, đang trình UBND TP xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.