Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa bão Covid-19, Bắc Giang tiêu thụ hết toàn bộ lượng vải thiều chín sớm

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến ngày hôm nay (9/6), tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành tiêu thụ toàn bộ sản lượng vải thiều chín sớm với sản lượng hơn 51.000 tấn, mức giá từ 15.000 – 31.000 đồng/kg.

Tiêu thụ thuận lợi, nông dân có lãi
Tối 9/6, thông tin tới báo Kinh tế&Đô thị, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, đến hết ngày hôm nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được 67.300 tấn vải thiều. Trong đó vải chín sớm là 51.547 tấn, vải chính vụ là 15.841 tấn.
Địa phương dẫn đầu sản lượng vải thiều đã tiêu thụ là huyện Lục Ngạn với gần 30.000 tấn, tiếp đến là huyện Tân Yên với 15.500 tấn, huyện Lục Nam 13.160 tấn…
Về tiêu thụ, chủ yếu vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ trong nước với sản lượng 43.068 tấn (chiếm khoảng 64%), còn lại là xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore.
 Vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Ngọc Hưng
Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, khó khăn của vụ vải sớm năm nay là tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cho sức mua trên thị trường giảm, đặc biệt là thị trường TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam do phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, nguồn nhân công tham gia thu hoạch, sơ chế vải cũng gặp khó khăn. Hàng năm đội ngũ nhân công tham gia công việc này tại các vùng vải khoảng 2.000 – 3.000 người. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động trong cách vùng cách ly hoặc lao động từ các tỉnh, thành khác, nhất là lao động làm đá ướp lạnh (chủ yếu ở Thanh Hóa) không thể vào vùng vải.
Một khó khăn nữa là khâu lưu thông, tiêu thụ vải thiều. Mặc dù UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, TP đề nghị cho phương tiện vận chuyển vải tiêu thụ được lưu thông theo “luồng xanh”, tuy nhiên mỗi địa phương lại áp dụng biện pháp quản lý phòng chống dịch khác nhau.
 Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và đại diện UBND huyện Lục Ngạn ký kết thỏa thuận tiêu thụ vải thiều ngày 9/6. Ảnh: Dương Thủy
Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, khi xe chở vải thiều đến chốt kiểm soát để vào chợ đầu mối, sẽ có lái xe ở địa bàn ra đánh xe, sau khi bốc dỡ vải xuống sẽ đánh xe ra trả. Nhưng tại một số tỉnh Tây Nam Bộ lại dùng xe chuyên dụng để trung chuyển vải từ các chốt vào điểm tiêu thụ. Hay tại tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu buộc phải đổi lái xe chở vải thiều vào địa bàn. “Việc mỗi địa phương áp dụng biện pháp quản lý phòng, chống dịch khác nhau khiến cho đội ngũ tài xế chở vải thiều phải thích ứng, gây mất thời gian hơn” – ông Trần Quang Tấn chia sẻ.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, việc tiêu thụ vải thiều sớm của Bắc Giang vẫn khá thành công, thuận lợi trong bối cảnh dịch. Sản lượng tiêu thụ tăng dần mỗi ngày, như ngày 9/6 sản lượng tiêu thụ đạt 6.700 tấn. Giá bán bình quân dao động từ 15.000 - 31.000 đồng/kg. “Mức giá này tương đương so với năm trước và bà con nông dân rất phấn khởi vì có lãi” – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng chia sẻ, việc hoàn thành tiêu thụ vải thiều chín sớm trong ngày hôm nay là dấu mốc quan trọng của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Việc toàn bộ sản lượng vải sớm của tỉnh được tiêu thụ hết, cả trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước với mức giá tương đương mọi năm trong điều kiện phải căng mình chống dịch Covid-19 là một thành công, nỗ lực trong chỉ đạo của tỉnh” – ông Dương nhìn nhận.
Đa dạng hóa kênh tiêu thụ
Nói về bài học thành công của địa phương trong việc tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh là dịch Covid-19, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trước hết tỉnh đã nhanh chóng khoanh vùng kịp thời, xây dựng kế hoạch sản xuất vải thiều an toàn, không Covid-19.
Đó là đầu tháng 5, sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đã lập tức chỉ đạo quản lý chặt, không để các trường hợp F1, F2 về vùng vải thiều; người trong vùng vải không ra khỏi địa phương. “UBND tỉnh đã chỉ đạo lập các chốt kiểm dịch chặn các ngả đường ra vào vùng vải thiều, nhất là huyện Lục Ngạn để tạo thành vành đai an toàn cho quả vải” – ông Trần Quang Tấn cho biết.
 Vải thiều chín sớm huyện Tân Yên được vận chuyển đi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Miền
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều từ sớm với 3 kịch bản. Kịch bản 1 nếu dịch được kiểm soát, vải thiều tiêu thụ thuận lợi với 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Kịch bản 2 dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, 70% tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 30%. Kịch bản cuối cùng là khi dịch ảnh hưởng toàn diện và xuất khẩu bị đóng băng, vải thiều sẽ tiêu thụ hoàn toàn trong nội địa.
Đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận tiêu thụ với 48 đơn vị, sản lượng lên tới hơn 61.000 tấn, tiêu biểu như MM Mega Market, VinMart +, Central Retail (hơn 700 tấn), Saigon Coop (6.000 tấn)… Đáng chú ý, với tinh thần “cả nước vì Bắc Giang”, nhiều đơn vị, bộ ngành, tổ chức, đoàn thể… cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Đặc biệt, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cũng rất tích cực quảng bá sản phẩm vải thiều chất lượng cao Bắc Giang tại thị trường ngoại. Nhất là thông qua hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, trong đó có 8 điểm cầu tại các nước Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc tổ chức ngày 8/6, nhiều nước đã dành sự quan tâm và cam kết tạo điều kiện cho tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
“Ngày 9/6, sau khi vải thiều Bắc Giang lên kệ ở siêu thị Singapore, phía bạn có phản hồi rất tích cực về chất lượng và việc tiêu thụ khá nhanh” – ông Trần Quang Tấn cho biết.
Một điểm đáng chú ý nữa là, vụ vải năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi mạnh mẽ phương thức tiêu thụ từ truyền thống sang kênh hiện đại khi phối hợp với 7 sàn thương mại điện tử như Alibaba, Sendo, Tiki, Vosco, Shopee, Lazada, Postmart và qua Chương trình gian hàng Việt trực tuyến Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Mặc dù là năm đầu tiên khởi động nhưng đến ngày 9/6, lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ qua kênh các sàn thương mại điện tử đạt tới 980 tấn (trong khi thỏa thuận, cam kết khoảng 700 tấn). Tốc độ tiêu thụ hiện nay đang đạt 200 tấn/ngày.
Chuẩn bị kỹ cho tiêu thụ vải chính vụ
Từ ngày 9/6, vải Bắc Giang đã bước vào  thu hoạch chính vụ, sớm hơn so với kế hoạch một ngày. Theo Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn, tỉnh sẽ tiếp tục kết nối với các bạn hàng, kích hoạt 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, trong đó trọng tâm vẫn hướng đến thị trường trong nước bởi tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Với sản lượng vải thiều vào chính vụ lớn (hơn 100.000 tấn), tỉnh Bắc Giang cũng chủ động phương án phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân mua vải tại vườn để giảm áp lực giao thông từ trục Quốc lộ 31, nhất là địa bàn huyện Lục Ngạn. “Với sản lượng thu hoạch vải tới đây lên tới 10.000 tấn/ngày, phải có phương án giải pháp căn cơ để tránh tình trạng ùn tắc giao thông khi tiêu thụ vải” – ông Trần Quang Tấn cho hay.
 Một điểm thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngan, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Ngọc Hưng
Cũng liên quan tới vấn đề lưu thông, tiêu thụ, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch khử khuẩn phương tiện, test kháng nguyên cho lái xe chở vải thiều từ sớm… để giảm thời gian kiểm tra, tạo sự thông thoáng, tránh ùn tắc trên các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo quản lý chặt chẽ các vùng vải, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 một cách nghiêm ngặt để chất lượng trái vải thiều đạt tiêu chuẩn cao nhất.
“Đặc biệt, nhằm tri ân người tiêu dùng cả nước đã ủng hộ trái vải thiều Bắc Giang thời gian qua, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các vùng vải hữu cơ, VietGAP, Global GAP… để đưa tới tay người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất” – ông Trần Quang Tấn chia sẻ.