Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa dịch viêm phổi Vũ Hán, quốc tế đau đầu vì "corona trên mạng"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát chủng virus corona hoàn toàn mới, hiện đã được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, môi trường internet có sức lan tỏa cao đóng vai trò hàng đầu, mà "cư dân mạng" được đánh giá vừa có thể là anh hùng và là kẻ xấu.

Ảnh minh họa.
Dịch corona bị lợi dụng bởi tội phạm mạng
Hơn 300 trường hợp tử vong và 14.000 ca nhiễm bệnh khiến virus corona trở thành tin tức có tầm quan trọng toàn cầu, tạo tâm lý "thèm khát" thông tin nơi công chúng, thúc đẩy bọn tội phạm mạng khai thác tối đa nỗi sợ hãi, hoang mang của người dùng về dịch bệnh chết người.
Vào ngày 22/1, Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng (CISA) của chính phủ Mỹ đã đưa ra một cảnh báo cho người dân về sự gia tăng các cuộc tấn công phần mềm độc hại, do nhóm Emotet đứng sau. Đây được xem là làn sóng chiến dịch phần mềm độc hại liên quan đến virus corona đầu tiên.
Với hình thức sử dụng các email giả danh các trung tâm y tế công cộng chính thức, các tin tặc đính kèm các tài liệu, được cho là có lời khuyên về việc bảo vệ chống lại virus mới. Không khó hiểu khi hầu như mọi người đều bấm mở những tài liệu này, khiến thiết bị đó lập tức bị kiểm soát, với mục đích chính là ăn cắp thông tin người dùng.
Môi trường ảo tác động đến bệnh dịch thật
Đáng nói, mức độ mà thế giới trực tuyến phản ứng tiêu cực với virus corona không chỉ dừng ở việc phân phối phần mềm độc hại và tội phạm mạng. Thông tin sai lệch liên quan đến sự lây lan của virus hay các cách phòng, chữa bệnh không có cơ sở, đang lan tràn nguy hiểm trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Đã có những "thuyết âm mưu" trên Facebook, Twiter... cho rằng virus corona là sản phẩm chiến tranh sinh học của chính phủ Trung Quốc, hay Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ cho việc nghiên cứu virus... Mức độ thông tin sai lệch không chỉ còn ở vấn đề tin giả ảnh hưởng chính trị, mà trong những thời điểm hiện tại còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người - một khi tin theo các phương pháp chữa bệnh vô căn cứ như dùng dầu rắn, thảo dược...
Các nền tảng siết chặt thông tin
Google đã kết hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để kích hoạt cảnh báo SOS, cho phép truy cập dễ dàng hơn đến thông tin dịch bệnh chính thống. Cảnh báo Google SOS hiển thị nội dung tin tức toàn cầu có liên quan, cũng như các cập nhật được thông tin các địa phương có liên quan nếu cần.
Trong một thông báo mới đây, Twitter cho biết họ đã có những biện pháp đáng kể nhằm giữ cho mọi hoạt động của dịch vụ khỏi các hành vi nguy hiểm, đồng thời là trách nhiệm giúp đỡ mọi người tìm kiếm thông tin dịch corona đáng tin cậy, loại bỏ thông tin sai lệch. Chiến dịch sử dụng nhãn "knowTheFacts" cũng được sử dụng, tương tự thời gian Twitter đã giúp định hướng thông tin đúng đắn về việc tiêm chủng.
Tại Anh, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội đã hợp tác với Twitter để nêu bật hướng dẫn ở đầu trang của bất kỳ tìm kiếm nào liên quan đến virus corona. Cùng với đó, Twitter thông báo rằng họ cũng điều hướng các tìm kiếm của người dùng ở nhiều quốc gia đến các nguồn chính thống. Chẳng hạn tại Mỹ, hầu hết các thông tin tìm kiếm được đều xuất phát từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia.
Trong khi đó, Facebook cho biết họ cũng đang phối hợp với các quốc gia để hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch và nội dung có hại về virus corona. Trong một thông báo mới, mạng xã hội này cho biết đang vận hành một mạng lưới kiểm tra toàn cầu dựa trên các báo cáo của bên thứ 3, trên cả 2 nền tảng Facebook và Instagram.
Facebook cam kết xóa các nội dung đã được các tổ chức y tế toàn cầu hoặc cơ quan y tế địa phương gắn cờ là có khả năng "gây hại cho những người khác".
Trong khi đó, TikTok - một mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, có phiên bản quốc tế - cũng đã giới thiệu các biện pháp mới nhằm báo cáo các video có thể chứa thông tin lừa đảo.
"Nếu bạn bắt gặp một video mà bạn tin rằng có thể chứa thông tin lừa đảo có chủ ý, bạn có thể báo cáo bằng cách chọn danh mục 'thông tin sai lệch' mới", đại diện TikTok cho biết.