Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp con vượt qua cú sốc thi trượt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến thời điểm này, hơn 200 trường ĐH, CĐ đã công bố điểm thi, bên cạnh niềm vui, không ít thí sinh và gia đình đứng trước nỗi buồn thi trượt.

Để các em thi trượt không quá buồn rầu, suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến các hành động nông cạn, gia đình cần chú ý không gây áp lực, biết động viên con vượt qua cú sốc.

Đối mặt với cú sốc

Với quan niệm đỗ ĐH mới có thể thành đạt, nhiều phụ huynh đã sốc khi con thi trượt ĐH. Thay vì an ủi, động viên con, họ đã mắng mỏ, dè bỉu, trách cứ con. Điều này tạo áp lực nặng nề cho các em.

“Trượt đại học không phải chuyện lớn, cha mẹ và những người thân trong gia đình hãy cho các em một điểm tựa tinh thần vững chắc, vượt qua rào cản tâm lý tạm thời để bước vào con đường mới thật sự vững chắc hơn”. - Bà Trần Thảo Linh
Các phụ huynh cần nghĩ thoáng rằng, con đỗ ĐH chưa chắc đã đủ năng lực để hoàn thành chương trình, học giỏi; khi ra trường cũng chưa chắc xin được công việc phù hợp. Vì thế, các phụ huynh cần có cách nhìn thực tế, biết động viên con đi các con đường khác ngoài việc học ĐH. Cha mẹ cần là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con, hãy xem chuyện thi trượt ĐH là hết sức bình thường và coi đó là lần thử nghiệm chưa thành công.

Em Lê Minh Giang (quận 12, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Nếu trượt ĐH, chắc chắn em sẽ bị cha mẹ la mắng, thất vọng và tủi thẹn với thầy cô, bạn bè. Em cảm thấy mất tự tin và không đủ nghị lực để có thể lựa chọn cho mình con đường khác”.

Bà Trần Thảo Linh - giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết, khi thí sinh biết mình trượt ĐH, các em sẽ rất buồn, thậm chí suy sụp, thất vọng về bản thân. Nếu như người thân tiếp tục “bồi” thêm sự trách mắng, các em có thể bị trầm cảm, dẫn đến các hành vi quá khích. Nhẹ thì bị chấn động tâm lý, dễ gây gổ, nổi nóng, phản ứng mạnh mẽ với mọi việc xung quanh, theo bạn bè xấu rơi vào các tệ nạn xã hội; nặng thì có thể dẫn tới hành động tự tử.

"Sĩ tử trở nên u uất, phát điên, thậm chí tự tử do trượt ĐH là do rất nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đã tạo áp lực cho con” – bà Linh cho biết.

Bà Linh phân tích thêm, nếu coi kết quả thi ĐH của con là đích đến, là niềm tự hào của gia đình, thậm chí cả dòng họ, rồi chăm chăm ép con học, buộc phải thi trường này hay trường khác theo định hướng của mình, vô tình cha mẹ đã gây ra một áp lực lớn cho con, dẫn đến tình trạng xấu nếu con không đạt được kết quả như mong đợi".

Chỗ dựa cho con

Phụ huynh Lương Thanh Bình (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, con anh thi ĐH chỉ đạt 20 điểm, nhưng cháu đăng ký ở một trường ĐH lớn, nên cơ hội đỗ không cao. Anh đã tìm hiểu thông tin ngành nghề mà con lựa chọn, nên khá hy vọng. Tuy nhiên, không vì thế mà trách mắng con, dù biết là cũng hơi khó để vào trường này, nhưng vợ chồng anh vẫn hy vọng.

Còn phụ huynh Lê Mạnh Đức có con thi ĐH có điểm dưới trung bình cho biết, gia đình buồn, nhưng hiểu con gái sẽ là người buồn nhất, sốc nhất, nên dồn sức động viên con, còn tổ chức cho con đi du lịch để sớm thanh thản trở lại.

Theo bà Linh, khi con thi trượt, cha mẹ nên gần gũi con để chia sẻ, đồng cảm; cho con một không gian thư dãn thoải mái, bầu không khí gia đình đầm ấm vui vẻ, có thể cùng con đi du lịch... Mỗi gia đình cần vạch ra cho con những viễn cảnh tốt đẹp hơn, từng bước cùng con lập kế hoạch năm mới, có thể sẵn sàng cho một kỳ thi sắp tới, cũng có thể định hướng cho con một nghề phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ không nên tỏ thái độ như khinh rẻ, mắng nhiếc, so sánh con với những học sinh khác...